Thủy ngân là kim loại nặng có ánh bạc, được sử dụng trong nhiệt kế, áp kế và các thiết bị khoa học khác. Mặc dù là nguyên tố lỏng ít độc nhưng các hợp chất và muối của nó lại rất độc. Thậm chí, khi cơ thể tiếp xúc hay hít phải thủy ngân thì nguy cơ cao còn gây ra các tổn thương vùng não, gan.
Ngoài ra, thủy ngân là chất độc tích lũy sinh học nên rất dễ hấp thụ qua da, các cơ quan hô hấp và hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, các hợp chất trong thủy ngân vẫn tạo ra sự ô nhiễm không khí xung quanh nơi bạn sống. Một trong những hợp chất độc nhất của thủy ngân phải kể đến đimêtyl, nó độc đến mức chỉ vài micrôlít rơi vào da có thể gây tử vong.
Do đó, việc nhận biết các dấu hiệu ngộ độc thủy ngân ngay từ sớm là điều vô cùng cần thiết trong thời điểm này. Dưới đây là một số triệu chứng ban đầu giúp bạn nhận biết xem mình có nguy cơ nhiễm độc hay không.
Nôn dữ dội ra mật/máu tươi, bụng đau thắt, phân lẫn máu
Khi chất độc xâm nhập vào cơ thể, người bệnh thường có một vài biểu hiện viêm ruột như bị bỏng đường tiêu hóa trên, sau đó nôn dữ dội và có thể ra cả mật, cả máu tươi. Kéo theo sau đó, họ sẽ bị kiết lỵ, bụng đau thắt, phân có lẫn máu, người vã mồ hôi, chân tay lạnh và dễ có khuynh hướng ngất, tình trạng toàn thân suy sụp.
Tiểu ít
Trong khoảng từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 sau khi nhiễm độc, người bệnh dễ bị viêm thận tăng đạm huyết với biểu hiện tiểu ít hoặc vô niệu, đạm huyết tăng nhanh, clo huyết giảm...
Lưỡi sưng phồng, buồn nôn, khó thở
Ở thể nhiễm độc bán cấp, người bệnh sẽ có biểu hiện suy nhược, ăn uống kém ngon miệng, sốt nhẹ (38 độ C), răng có cảm giác khó chịu, nước bọt tiết nhiều và có vị kim loại, niêm mạc miệng phù nề, lưỡi sưng phồng, lợi loét, chảy máu, có màng giả.
Còn ở thể nhiễm độc mãn tính, người bệnh có cảm giác cháy bỏng, khó chịu trong miệng khi ăn uống, lợi ngày càng viêm nhiễm, sưng phù, sau đó bị loét hoặc chảy máu trong. Với trường hợp nhiễm độc cấp, người bệnh còn có biểu hiện sốt cao, sưng hạch dưới hàm, hơi thở hôi.
Tê run toàn thân
Ban đầu, người bệnh sẽ có biểu hiện run nhẹ các ngón tay. Tình trạng này phát triển dần ra cả bàn tay, cẳng tay rồi lan đến chi dưới và các cơ ở mặt, lưỡi, thanh quản. Trong một số trường hợp, người bệnh sẽ bị run bắt đầu từ mi mắt, xung quanh mồm, lưỡi và thanh quản hoặc bàn chân. Ở thể bệnh cấp tính, người bệnh còn xuất hiệu triệu chứng run liên tục.
Mắt đổi màu khác thường
Người bị nhiễm độc mãn tính, phần trước thủy tinh thể (cả 2 mắt) có thể bị biến từ màu xám nhạt sang xám sẫm hoặc xám đỏ nhạt.
*Cách xử lý ban đầu khi có dấu hiệu ngộ độc thủy ngân:
Hãy xác định tình trạng người bệnh có dấu hiệu ngộ độc thủy ngân là do hít phải, nuốt phải hay tiếp xúc qua da, mắt để tìm phương pháp điều trị, giải độc đúng đắn.
- Với tình trạng thủy ngân tiếp xúc qua da: nhanh chóng loại bỏ quần áo bị nhiễm, dính thủy ngân, rửa sạch, vệ sinh vùng da, mắt bị nhiễm thủy ngân.
- Với tình trạng người bệnh hít phải hay nuốt phải thủy ngân thì nên nhanh chóng đưa ra khỏi khu vực có thủy ngân, đóng kín cửa phòng để tránh thủy ngân phân tán ra ngoài môi trường.
Còn nếu đã có dấu hiệu ngộ độc thủy ngân như trên thì phải nhanh chóng đưa người bệnh tới gặp bác sĩ kiểm tra ngay.
Ngoài ra, bạn cũng nên nhanh chóng thu dọn khu vực có thủy ngân sạch sẽ, phi tang thủy ngân một cách cẩn trọng để nó không phát tán ra môi trường. Thêm nữa, hãy vứt bỏ những dụng cụ thu dọn vừa sử dụng như chổi, sọt đựng rác hay găng tay vào túi ni lông buộc kín, có ghi chú bên ngoài để tránh trường hợp xấu cho người khác.
Source (Nguồn): Medicalnewstoday