Tờ Washington Post (Mỹ) ngày 15/8 đưa tin, trong hàng loạt điều chỉnh chính sách hạt nhân, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang xem xét "không sử dụng vũ khí hạt nhân trước", đồng thời vận động Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết kêu gọi các nước ngừng thử nghiệm hạt nhân.
Tuy nhiên, do lo ngại từ các đồng minh của Mỹ, Nhà Trắng vẫn chưa có động thái đẩy nhanh chính sách này.
Theo Washington Post, không nhiều khả năng Mỹ thực sự tiến hành thay đổi quan trọng này và có thể ông Obama chỉ muốn dư luận quốc tế hiểu được khái niệm và mong muốn của Mỹ về "thế giới không hạt nhân", giúp ông kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống với hình ảnh "đầy thiện cảm".
Dù vậy, phản ứng cứng rắn từ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khiến Washington khá ngạc nhiên.
Kyodo News (Nhật Bản) ngày 16/8 cho hay, liên quan đến việc chính phủ Mỹ xem xét chính sách nêu trên, ông Shinzo Abe đã nêu ý kiến phản đối tới Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ.
Theo Thủ tướng Nhật, việc Mỹ đi theo chính sách này sẽ ảnh hưởng đến khả năng trấn áp về hạt nhân của họ đối với Triều Tiên, khiến nguy cơ tranh chấp leo thang trong khu vực tăng lên.
Ông Abe cũng kêu gọi củng cố liên minh Mỹ-Nhật. Đáp lại, Đô đốc Harris khẳng định quan hệ đồng minh giữa hai nước là "then chốt cho hòa bình và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương".
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: AP)
Kyodo đưa tin, các thành viên trong chính phủ Mỹ phản đối thay đổi chính sách hạt nhân với lý do lo ngại "Tokyo sẽ bắt đầu phát triển hạt nhân".
Theo đó, nhiều quan chức của Mỹ quan ngại "nếu Nhật cho rằng Mỹ không còn là chỗ dựa đáng tin cậy thì lúc nào đó họ sở hữu hạt nhân cũng không có gì lạ".
Nếu quan điểm trong Nhà Trắng chia rẽ xung quanh mối lo "Nhật sở hữu hạt nhân", thì điều gì khiến Thủ tướng Abe lo lắng nếu như Tokyo thực sự muốn sở hữu sức mạnh này?
Kyodo chỉ ra, nếu Mỹ thực sự công bố chính sách không tấn công hạt nhân trước thì Washington buộc phải tạo ra áp lực để các nước sở hữu hạt nhân khác hành động theo họ. Điều đó đồng nghĩa nếu Nhật sở hữu hạt nhân, Tokyo cũng chịu áp lực không thể sử dụng loại vũ khí đó.
Về lý thuyết, Nhật sở hữu nhiều tấn plutonium làm giàu ở mức độ cao, đủ để chế tạo nhiều bom hạt nhân trong thời gian ngắn nhờ khả năng khoa học công nghệ vượt trội.
Tuy nhiên, do Hiến pháp hòa bình, không được sự đồng thuận của người dân và Mỹ không cho phép nên Tokyo chưa thể chế tạo vũ khí hạt nhân.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là nước duy nhất đưa ra tuyên bố không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, sau khi thử nghiệm hạt nhân thành công lần đầu vào năm 1964.
Tờ Nihon Keizai Shimbun (Nikkei) của Nhật ngày 17/8 cho hay, Bắc Kinh nhận thức rõ chênh lệch về sức mạnh hạt nhân giữa Trung Quốc với Nga, Mỹ nên chủ động đưa ra tuyên bố trên như một "lá bài ngoại giao", nhằm yêu cầu 2 nước còn lại cắt giảm hạt nhân.
Xét ở khía cạnh này, thái độ không tấn công hạt nhân trước từ Washington, dù chỉ là "xem xét", cũng được coi là sự thay đổi chiến lược "giống Trung Quốc" và "đúng như ý muốn" của Bắc Kinh.
Mối lo ngại mất đi "ô bảo vệ" của Nhật Bản - quốc gia duy nhất từng bị tấn công hạt nhân - cũng không khó lý giải, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Trung-Nhật diễn biến hết sức tồi tệ trong nửa tháng qua xoay quanh tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tokyo thậm chí đã đẩy nhanh lộ trình thảo luận về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở nước này.
Hồi tháng 6/2016, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden từng cảnh báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Nhật Bản có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân "chỉ trong một đêm".
Ông Biden đã thúc giục ông Tập dùng ảnh hưởng của mình để Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, nếu không có thể sẽ kích động Nhật phát triển vũ khí hạt nhân.