LTS: "Nhật ký Blouse trắng" là tuyến bài ghi lại những câu chuyện, cảm xúc, suy tư của những nhân viên y tế, giúp độc giả hiểu hơn về những người ngày đêm tận tuỵ chăm sóc sức khoẻ cho người dân. BBT hân hạnh giới thiệu!
Bài 1: Tâm sự của bác sĩ 2 lần liên tiếp bị chỉ mặt chửi vô đạo đức
Bài 2: Khi người bệnh khiến bác sĩ "cắn lưỡi"
Bài 3: Khi tôi bỏ lại một người già nằm khóc rấm rứt trên ghế sofa...
Thuý qua Mỹ được 2 năm, đi theo diện chồng bảo lãnh. Cô là người miền Tây, có chút nhan sắc, dáng cao ráo ưa nhìn nên lọt vào mắt xanh chàng Việt kiều Cali. Mối tình nhanh chóng kết trái và cô có mặt tại Mỹ sau hai năm chờ đợi.
Chồng cô nghe nói là một kỹ sư vùng Los Angeles, nhưng qua đến nơi cô mới biết là kỹ thuật viên (Technician) của một công ty kỹ nghệ.
Cuộc sống vùng Los Angeles đắt đỏ khó khăn hơn cô nghĩ. Cô quyết định phải đi kiếm việc làm thêm. Sau hơn một năm ở học lái xe và đi học tiếng Anh, cô đã mua được bằng làm nail.
Mỗi ngày, Thúy dậy từ 7h, lái xe hơn 90 phút mới đến một tiệm nail vùng bắc Los Angeles. Có những hôm đi carpool (làn dành cho 2 người) chung với một chị làm cùng thì nhanh hơn được nữa giờ. Cô làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần, chỉ nghỉ thứ ba.
Tiệm Thuý có 6 thợ, 10 ghế spa, làm từ tay chân đến wax lông mày, của một bà chủ người Hàn Quốc với cô quản lý người Việt, ăn chia 6/4 (chủ lấy 4, thợ lấy 6).
Mỗi ngày Thuý được tip tiền mặt 30USD - 50USD, cộng thêm tiền chia được khoảng 130USD, cộng lại cũng gần 200USD. Mỗi tuần được 1.200USD, mỗi tháng gần 5.000USD tiền mặt, mỗi năm gần 60.000USD tiền mặt. Lương tiền mặt không đóng thuế của Thuý còn cao hơn cả chồng nàng.
Ảnh minh họa
Thúy thích lắm, cuộc sống đã dần dễ thở hơn nhiều. Cô tự thưởng cho mình chiếc Lexus ES300 cho bằng chị em trong tiệm, cho đến một hôm...
Các ngón tay cô bắt đầu ngứa và đỏ. Cô gãi liên tục, nhưng càng gãi càng ngứa.
Cô nghe lời bạn xức mọi thứ lên tay từ kem… đánh răng, xức luôn nước mắm Phú Quốc cũng không hết. Khách hàng bắt đầu phàn nàn vì cô làm chậm hơn và gãi nhiều quá. Thuý vẫn đeo găng tay, nhưng càng đeo càng khó chịu.
- "BS ơi, em bị gì?" - Cô hỏi tôi.
- "Chị bị viêm da dị ứng, có lẽ liên quan đến nghề của chị".
Chữa viêm da loại này thuộc dạng khó nhất vì cách chữa tốt nhất là tránh tiếp xúc với hoá chất. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân làm nail không bỏ nghề được. Chiếc Lexus cô mới mua, dự định sinh con và về Việt Nam, tất cả đều cần tiền.
- "Em không bỏ nghề được BS à".
- "Tôi không kêu chị bỏ nghề, tôi chỉ nói là sẽ khó chữa".
Tôi kê thuốc chống dị ứng, kem kháng viêm, kem giữ ẩm và hướng dẫn mua găng tay loại tránh dị ứng.
Vài tuần sau, Thuý hớn hở khoe là da đã tốt hơn.
- "Chị khoan mừng vội, có thể nó sẽ trở lại".
Vài tháng sau, da tay cô bị viêm trở lại, có lúc sưng phải gãi đến nỗi chảy máu. Tôi cho thêm kem trụ sinh. Tôi kêu cô ghi tên các chai hoá chất cô tiếp xúc để xem có chất nào gây viêm da. Tôi chuyển qua kem kháng viêm khác và da cô dần đỡ hơn.
- "Nếu bị tái phát thì chị thử nghỉ làm một vài tuần cho da lành hẳn".
- "Không được BS ơi, em còn phải gửi tiền về Việt Nam nữa".
Ảnh minh họa
Niềm vui về bàn tay bắt đầu lành chưa lâu thì Thuý bắt đầu bị ho và khó thở lúc chiều khi làm việc. Cô bị suyễn lúc còn bé bên Việt Nam nhưng lớn lên thì khỏi. Tôi kê cho cô một ống xịt mũi khi cần và dặn quay lại.
Cô đi đâu mất tăm trong 4 tháng.
Đột nhiên cô quay trở lại, khoe tôi mới về Việt Nam 2 tháng vui quá. Hai bàn tay cô gần như lành hẳn. Cô cũng hết ho. Tuần sau cô sẽ trở lại đi làm một tiệm nail khác. Chiếc Lexus ES 300 mới sẽ tiếp tục lẫn vào dòng xe chật chội vùng LA lúc 7h sáng. Cô sẽ tiếp tục cần mẫn giũa 12h mỗi ngày.
Và tôi sẽ còn gặp cô...