TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương), cho biết Trung tâm đang điều trị cho hàng chục bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, đều là những trường hợp nặng hoặc cảnh báo nặng như nôn, buồn nôn, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Đáng chú ý, khác với mọi năm, năm nay số trẻ thừa cân, béo phì mắc sốt xuất huyết tăng. “Mọi năm chỉ 1 hoặc 2 bé nhưng năm nay gần chục trẻ nhập viện điều trị.
Trẻ béo phì là yếu tố tiên lượng nặng khi mắc sốt xuất huyết”, TS Hải nói. Một điểm đáng chú ý, những năm trước, bệnh nhân đến trong tình trạng nhẹ hơn. Năm nay, tỉ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết vào đông, chiếm 50-75% nhập viện và có dấu hiệu cảnh báo: sốt cao, thiếu dịch, thừa dịch (do người nhà tự truyền), tiểu ít, huyết áp không ổn định, mệt mỏi.
“Đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân đến trong tình trạng thừa dịch. Tình trạng này rất nguy hiểm vì khi truyền dịch bác sĩ tính liều lượng rất sát sao, điều dưỡng theo dõi quá trình truyền dịch 15-30 phút, 1 tiếng mỗi lần.
Các chỉ số được điều dưỡng ghi chép rất chi tiết từ liều lượng, huyết áp, nhịp thở đến số lượng nước tiểu, ăn được bao nhiêu… để cân đối lượng dịch ra và vào của bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu tự truyền dịch tại nhà thì bệnh nhân sẽ không tính được những yếu tố nói trên. Truyền quá đà sẽ dẫn đến các triệu chứng cảnh báo như nôn, buồn nôn, đau bụng, khó thở do tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng phổi… khi nhập viện đã ở tình trạng xấu.
Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng tiểu cầu giảm, nôn do thiếu dịch”, thạc sĩ Thúy Hậu, Điều dưỡng trưởng Trung tâm bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên tự ý điều trị, cần đến bệnh viện khám để được bác sĩ giải thích, hướng dẫn tư vấn cách điều trị tại nhà.
TS Hải thông tin, hiện nay số người mắc sốt huyết không nhiều hơn so với những bệnh khác như cúm, Adenovirus, nhưng nhiều hơn so với 2 tuần trước. Trước chỉ 5-7 bệnh nhân nhập viện còn hiện tại có hơn 20 bé đang điều trị. “Tiêu chí nhập viện là những bệnh nhân phải điều trị bằng thuốc và phương pháp mà ở nhà không thể làm được. Như trẻ không ăn được, không hạ sốt.
Còn trẻ mắc sốt xuất huyết thể nhẹ nên điều trị tại nhà vì ở nhà chế độ dinh dưỡng tốt hơn. Thêm nữa sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm chéo các bệnh khác qua đường hô hấp như cúm, Adenovirus hoặc bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện. Nên lưu ý theo dõi, nếu thấy nguy cơ nặng lên như sốt cao liên tục, không đáp ứng thuốc hạ sốt, trẻ mệt mỏi, nôn nhiều, đau bụng, dấu hiệu nguy cơ nặng phải đưa đi viện”, TS Hải nói. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, phần lớn bệnh nhi có dấu hiệu cảnh báo như buồn nôn, nôn nhiều, sốt cao...
Nhiều bệnh truyền nhiễm tấn công trẻ nhỏ
TS Hải thông tin, hiện nay số ca bệnh cúm, bệnh lây qua đường hô hấp cao hơn so với những năm trước. Ngoài yếu tố thời tiết, nhiệt độ giúp virus tồn tại lâu, môi trường cũng tạo điều kiện cho virus phát triển.
Các lớp học bật điều hòa suốt ngày, không mở cửa khiến lưu thông không khí kém, trẻ mắc cúm sẽ thải virus ra môi trường, gặp nhiệt độ điều hòa thích hợp sẽ nhân lên và phát tán khắp lớp học, lây cho những trẻ khác. Trong các khu chung cư, trong thang máy, một người ho hắt hơi có thể phát tán virus. Nhiều khi người lớn bỏ qua thói quen rửa tay khi về nhà khiến trẻ bị lây virus do cha mẹ mang từ ngoài vào.
Các chuyên gia dịch tễ nhận định, đang giao mùa nên một số bệnh do virus lây qua đường hô hấp, tiêu hóa tăng hơn so với thời điểm khác. Ðặc biệt nguy cơ bệnh tay chân miệng cũng cần chú ý vì sắp đến mùa dịch này bùng phát nếu không phòng ngừa cẩn thận.
Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện nhi Trung ương) Đặng Thành Đồng cho biết: “Những ngày này, bệnh nhân mắc Adenovirus rất đông. Trẻ diễn biến rất nhanh bắt đầu từ suy hô hấp. Hiện nay trên Khoa Hồi sức tích cực có 52 bệnh nhân thì 32 cháu bị nhiễm Adenovirus với 12 trẻ phải thở máy, 21 trẻ thở ô xy, còn lại là những trẻ sốt cao. Hiện tại, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em có 3 buồng thở máy liên tục, mỗi buồng biên chế 5 máy thở và đều chật kín bệnh nhân”.
Theo TS Hải, Adenovirus gặp ở trẻ 5 tuổi trở xuống, với trẻ 3 tuổi trở xuống thường trở nặng do các yếu tố gây viêm mũi họng, phế quản, phổi, tiêu hóa như dạ dày, ruột. Đặc biệt gây suy hô hấp tiến triển rất nhanh.
“Nhiễm Adenovirus ở trẻ nhỏ làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp khiến bong niêm mạc gây bít tắc phế quản nhỏ, khiến lưu thông không khí rất khó khăn. Triệu chứng của Adeno kéo dài hơn cúm. Cúm chỉ kéo dài 3-3,5 ngày thì Adeno trung bình 8-12 ngày dẫn đến chăm sóc khó và nguy cơ diễn biến nặng cao hơn. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ nặng thuộc về cơ địa của trẻ như suy giảm miễn dịch”, bác sĩ Hải nói.