Nháo nhào mua radar tên lửa S-300, Mỹ muốn “phục thù” ở Syria?

Chỉ Nhàn |

Trên cơ sở mổ xẻ radar của hệ thống S-300 mà Ukraine cung cấp, Mỹ có thể tìm ra điểm yếu và vô hiệu hóa mạng lưới phòng không mà Nga đang triển khai tại Syria.

Giữa lúc quan hệ Mỹ-Nga đang trong tình trạng căng thẳng vì vấn đề Syria, theo mạng ImportGenius, đầu tháng 9/2018 Trung tâm chỉ huy liên hợp Quân đội Mỹ ở Orlando đã tiếp nhận hệ thống radar 36D6M1-1 do Ukraine sản xuất.

36D6M1-1 là phiên bản hiện đại hóa của hệ thống radar 36D6 Tin Shield do Liên Xô phát triển. Nó được sản xuất bởi Tổ hợp khoa học và sản xuất Iskra, Ukraine.

Đáng chú ý, 36D6 là thành phần quan trọng trong hệ thống phòng không S-300 của Nga. Loại tên lửa này đang được Moscow triển khai tới Syria làm nhiệm vụ bảo vệ các sân bay quân sự. Ngoài ra, "mắt thần" của S-300 còn đảm nhiệm khả năng báo động sớm các máy bay, tên lửa nhăm nhe tấn công quốc gia Trung Đông này.

Nháo nhào mua radar tên lửa S-300, Mỹ muốn “phục thù” ở Syria? - Ảnh 1.

Ukraine bàn giao hệ thống radar 36D6 cho một đối tác.

Các tài liệu công khai cho biết, hệ thống radar 36D6 có thể phát hiện các mục tiêu có tiết diện phản xạ radar nhỏ, bay ở độ cực thấp (như tên lửa hành trình Tomahawk) trong môi trường nhiễu chủ động, thụ động mạnh.

Cụ thể, 36D6 phát hiện mục tiêu có tiết diện phản xạ radar 1m2 bay ở độ cao 50 m, tầm trinh sát 31 km; ở độ cao 100 m, tầm trinh sát 46 km. Nếu mục tiêu ở độ cao trên 1 km, tầm trinh sát là 110-115 km và với mục tiêu bay độ cao 6-18 km, tầm trinh sát 147-175 km.

Tính năng của 36D6 đã vậy, chắc chắn phiên bản nâng cấp 36D6M1-1 mà Ukraine "tuồn" cho Mỹ sẽ còn nguy hiểm hơn nữa.

Người xưa có câu "biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng", với việc mua 36D6, rõ ràng Mỹ đang muốn "phục hận" sau khi mất hàng chục tên lửa Tomahawk hồi tháng 4/2018.

Nhiều khả năng, radar 36D6M1-1 sẽ được chuyển giao cho Trung tâm Tình báo Quốc gia Lục quân Mỹ. Nơi đây lưu giữ "bộ sưu tập" các trang bị vũ khí do nước ngoài sản xuất.

Sau đó, các chuyên gia quân sự Mỹ sẽ "mổ xẻ" chi tiết 36D6M1-1, xác định công dụng và khai thác các điểm yếu nhằm giúp Quân đội Mỹ hiểu rõ hơn mối đe dọa tiềm tàng.

Quân đội Mỹ cũng có thể sử dụng 36D6M1-1 tạo ra mối nguy hiểm thực tế giúp phi công không quân học cách đối đầu. Trên cơ sở này, các chuyên gia quân sự Mỹ sẽ thu được thông tin về hiệu quả các biện pháp đối phó, hiệu quả chiến thuật. Nhờ vậy, khi xung đột nổ ra, cho phép họ chế áp, phá hủy hệ thống phòng không đối phương.

Thêm nữa, radar có nguồn gốc từ Liên Xô có thể giúp Quân đội Mỹ phát triển hệ thống phòng thủ mới, thiết kế máy bay và các học thuyết liên quan.

Quả thực, hành động mua radar Ukraine của Mỹ đã khiến Moscow lo lắng. Trước đó, ngay khi nhận tin Mỹ nhăm nhe mua 36D6M1-1, hãng quốc phòng LCC "KIT" (được cho có liên quan đến Nga) đã cố gắng ngăn chặn thương vụ bằng cáo buộc Iskra chưa thanh toán xong tiền bản quyền để sử dụng bằng sáng chế của thiết bị này.

Tuy nhiên, Iskra cho rằng LCC "KIT" là công ty ma và không liên quan đến hoạt động của tổ hợp quốc phòng Ukraine. Và như vậy, 36D6M1-1 đã tới tay Washington, giờ đây Moscow có lý do phải dè chừng Mỹ trước các hành động tiếp theo ở Syria.

Triển khai hệ thống radar 36D6M.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại