Thời gian gần đây, tình hình Syria một lần nữa diễn biến căng thẳng trước tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc sẵn sàng sử dụng vũ lực để ngăn cản cái gọi là "thảm họa nhân đạo" ở Idlib, Tây Bắc Syria.
Tất nhiên, lý do này có lẽ chỉ là cái cớ để Washington giúp phiến quân Syria tại Idlib thoát khỏi các cuộc tấn công như vũ bão của liên quân Nga – Syria.
Các động thái của Mỹ sau đó cho thấy nguy cơ cao họ sẽ thực hiện một cuộc tấn công tương tự như hồi tháng 4/2018. Theo tờ Gibraltar Chronicle, tàu ngầm hạt nhân USS Newport News trang bị tên lửa hành trình Tomahawk đã tiến vào Địa Trung Hải tuần trước.
Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ vẫn duy trì lực lượng chiến hạm hùng hậu tại khu vực này. Thế nhưng, nhìn vào tình hình hiện tại, Mỹ-NATO sẽ không dễ dàng khuất phục Quân đội Syria. Lý do rất đơn giản, lực lượng phòng không nước này hiện tại "không dễ bị bắt nạt".
Chắc hẳn người Mỹ tin rằng một trận không kích sẽ "làm nguội" những cái đầu nóng ở Moscow-Damascus.
"Thần chết" đợi sẵn
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), lực lượng phòng không Syria hiện có từ 8-10 tổ hợp Buk-M2E. Đây là phiên bản xuất khẩu của tên lửa Buk-M2 do Nga sản xuất.
Các thông số kĩ thuật được công bố cho thấy, ngoài khả năng diệt máy bay chiến đấu các loại thì Buk-M2E còn được coi là "sát thủ" của tên lửa hành trình, trong đó có Tomahawk.
Ví dụ như đài radar chiếu xạ 9S36E của Buk-M2E có khả năng tìm kiếm, phát hiện, khóa và chiếu xạ các mục tiêu bay thấp hoặc cực thấp, dẫn cho tên lửa trang bị đầu dò radar bán chủ động bám sát mục tiêu ở giai đoạn cuối.
Đạn tên lửa Buk-M2E lắp khối chiến đấu nặng 70 kg với bán kính diệt mục tiêu 17 m. Đạn có thể đánh chặn các mục tiêu ở ly xa từ 3-50 km, độ cao từ 25 m tới 25 km.
Trong chiến đấu, thời gian phản ứng của Buk-M2E từ khi theo dõi mục tiêu tới khi phóng tên lửa là khoảng 8-10 giây. Thời gian chết giữa 2 lần xạ kích liên tục là 12 giây. Buk-M2E có thể tấn công các mục tiêu có vận tốc tối đa 1.100 m/giây (theo chiều bay tới), độ quá tải lên đến 12 g, tấn công cùng lúc 24 mục tiêu.
Có thể nói, nếu "chẳng may" đi vào vùng hoạt động của Buk-M2E và để bị phát hiện thì Tomahawk hầu như ít có cơ hội sống sót trước tên lửa Buk. Xác suất tiêu diệt các loại tên lửa hành trình bằng một quả đạn của Buk-M2E luôn trên 50%. Mà nếu có bắn trượt một quả, 23 quả còn lại trên các bệ phóng Buk sẽ "tranh nhau lập công".
Tên lửa Buk-M2E của Quân đội Syria.
Ngoài Buk-M2E, phòng không Syria còn được trang bị ít nhất từ 40-50 tổ hợp tên lửa phòng không Pantsir-S1. Trong trận đánh trả cuộc tập kích bằng hơn 100 tên lửa hành trình Anh - Pháp - Mỹ ngày 14/4/2018, 23/25 tên lửa phóng từ các tổ hợp Pantsir-S1 đã đánh chặn thành công, bắn hạ 23 tên lửa hành trình bảo vệ an toàn cho các sân bay.
Hệ thống Pantsir-S1 có khả năng theo dõi đồng thời thời đến 20 mục tiêu, xạ kích cùng lúc 4 mục tiêu trong số đó, thời gian bắn quả tên lửa đầu tiên chỉ mất 4-6 giây.
Vũ khí của Pantsir-S1 cũng rất phù hợp để tiêu diệt các loại tên lửa tốc độ cao, lợi dụng khả năng bay thấp để "chọc thủng" hệ thống phòng không của đối phương.
Cụ thể, nó được trang bị cặp pháo 2A38M 30 mm đạt tốc độ bắn 2.500 phát/phút mỗi khẩu, tầm bắn tới 4 km. Và 12 tên lửa 57E6 lắp phần chiến đấu nặng 20 kg (5,5 kg thuốc nổ + 2.000 mảnh 14,5 g), tầm bắn 1-20 km, độ cao bắn tới 8 km.
Đó mới chỉ là 2 trong số gần 10 loại tên lửa phòng không của Syria đã được Nga "hồi sinh", đủ sức đối phó với các cuộc tấn công đường không quy mô lớn.
Theo công bố của Nga-Syria, Pantsir-S1 gần như đạt tỉ lệ bắn trúng tuyệt đối trong thực chiến.
Kinh nghiệm đổi bằng xương máu
Một thuận lợi nữa đối với Quân đội Syria nếu tiếp tục đối mặt với "sứ giả chiến tranh" Tomahawk đó là kinh nghiệm. Những bài học đắt giá phải đánh đổi bằng xương máu hồi tháng 4/2018 chắc chắn sẽ giúp ích nhiều cho binh sĩ nước này.
Thực tiễn chiến tranh đã chứng minh rằng, trong bất kỳ chiến thắng nào trên chiến trường đều có bóng dáng của kinh nghiệm. Yếu tố này giúp binh sĩ khai thác tối đa khả năng của vũ khí, tăng độ nhạy cảm ứng phó tình huống.
Ngoài ra, các xác tên lửa Tomahawk bị bắn hạ trước đó chắc chắn đã được các chuyên gia Nga – Syria mổ xẻ tìm hiểu bí mật bên trong. Dù cho, 4 tháng là thời gian không dài để nghiên cứu cặn kẽ, nhưng dường như Mỹ không đủ thời gian để cải tiến vũ khí tối tân của họ.
Và "cái ô" của Moscow
Yếu tố sau cùng có thể giúp Quân đội Syria giành thắng lợi trong trận đánh nhiều khả năng sẽ xảy ra tới đây đến từ nước Nga.
"Cái ô" khổng lồ mà các tàu chiến – hệ thống radar của Quân đội Nga giăng ra như "lưới trời" khiến bất kỳ vật thể nào bay qua đều sẽ bị tóm gọn và "đánh dấu" và rất có thể sẽ ngay lập tức được thông báo tới các đồng nghiệp Syria.
Các vị trí mà Nga sẽ tiến hành tập trận bắn đạn thật ngoài khơi bờ biển Syria.
Việc này được minh chứng rõ ràng nhất trong cuộc đọ sức tháng 4/2018. Trước khi xảy ra vụ không kích, các tàu chiến Nga đã tiến hành tập trận quy mô lớn.
Hành động này giống như một biện pháp chốt chặn cả dải ven biển phía Tây Syria, khiến liên quân Mỹ-Anh-Pháp phải chọn hướng tấn công khác và "sập bẫy".
Mặc dù không thể ngăn Mỹ phát động tấn công, nhưng rõ ràng cuộc tập trận của Hải quân Nga đã khiến hầu hết các tên lửa "mới, đẹp và thông minh" của Mỹ và liên quân phải phóng đi từ Biển Đỏ, tức là từ phía Nam lên. Và lập tức tên lửa liên quân đã rơi vào thế trận "thiên la địa võng" giăng sẵn của phòng không Syria.
Hậu quả là có nhiều Tomahawk cùng các loại tên lửa hiện đại khác đã bị bắn hạ, thậm chí bị "bắt sống". Mỹ-Anh-Pháp đã tự tay "dâng" bảo bối "mới, đẹp và thông minh" gần như còn nguyên vẹn cho Nga.
Nga công bố các mảnh vỡ tên lửa Tomahawk bị phòng không Syria bắn hạ