Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, các địa phương trên địa bàn tỉnh có số ca mắc, tử vong cao là: TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX. Tân Uyên, TP. Thủ Dầu Một, TX. Bến Cát. Trong đó, TP. Dĩ An là địa phương đang gia tăng mạnh số ca mắc SXH với 127 ổ dịch, 562 ca mắc. So với những năm trước đây số ca mắc cao gấp 10 lần.
Bệnh nhân sốt xuất huyết ở Bình Dương tăng cao, nhiều trường hợp diễn biến nặng. Ảnh: H.C
Hiện TP. Dĩ An lưu hành chủng virus Dengue 2- chủng virus SXH có khả năng chuyển nặng cao nhất với số ca chuyển nặng trạng thái sốc SXH Dengue là 25 ca và nhiều trường hợp chuyển nặng chưa thể giám sát hết. Phân tích sâu những ca tử vong, ngành y tế Bình Dương nhận định các bệnh nhân đến khám tại cơ sở y tế đã chuyển nặng khiến cho công tác điều trị gặp nhiều khó khăn.
Ông Chương cho biết thêm, để kịp thời chấn chỉnh công tác thu dung điều trị, giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong do SXH, Sở đã đề nghị các phòng khám đa khoa tư nhân, phòng khám chuyên khoa tuân thủ nghiêm việc tiếp nhận, khám, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân SXH. Các phòng khám tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn bù dịch, không truyền dịch khi chưa có chỉ định. Với những trường hợp có chẩn đoán SXH khi đến khám tại cơ sở khám, chữa bệnh cần báo cáo hàng ngày về trung tâm y tế địa phương để kịp thời xử lý ổ dịch theo quy định. Các phòng mạch, phòng khám chuyên khoa nội, chuyên khoa nhi không được giữ bệnh nhân nghi mắc SXH Dengue tại cơ sở để điều trị khi chưa đủ điều kiện.
Nhân viên y tế bỏ việc vì lương thấp
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Y tế Bình Dương, kể từ sau đại dịch COVID-19 đến nay có khoảng 300 nhân viên nghỉ việc tại các trạm y tế. Lý do chủ yếu là thu nhập thấp, môi trường làm việc không phù hợp, không có cơ hội nâng cao tay nghề, hoàn cảnh gia đình khó khăn, công việc quá tải nhưng lương không đủ trang trải chi phí cuộc sống.
Y sĩ Đ.H.K, từng là Phó trạm y tế xã An Điền (TX Bến Cát) cho biết, đầu năm 2022 anh viết đơn xin nghỉ vì áp lực công việc. “An Điền là địa bàn rộng, dân đông, công việc nhân viên y tế trạm rất nhiều, như phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, quản lý thai phụ, kế hoạch hóa gia đình, quản lý người bệnh tâm thần. Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, khối lượng công việc tăng cao, nhân viên y tế dốc sức làm việc gấp 2-3 lần ngày thường nhưng lương thì không tăng. Hiện dịch bệnh COVID-19 đã giảm nhưng nhân viên lại đối mặt với áp lực tuyên truyền, giám sát ca bệnh truyền nhiễm SXH, tay chân miệng”, y sĩ K. cho biết.
Tương tự, y sĩ N.T.U, nguyên Trưởng trạm y tế lưu động ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng (huyện Bàu Bàng) cũng xin nghỉ việc vì lương thấp (khoảng 6 triệu đồng/tháng gồm lương và đãi ngộ), trong khi áp lực công việc lớn. Anh U. xin nghỉ việc để chuyển đến bệnh viện tư làm.
Do nhân viên y tế nghỉ việc nhiều nên khi chuyển đổi công năng trạm y tế lưu động thành trạm y tế cố định, ngành y tế Bình Dương đối mặt với tình trạng thiếu biên chế định biên, chủ yếu là bác sĩ và điều dưỡng hộ sinh.
UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 06 về việc “Hỗ trợ cho viên chức và nhân viên y tế cơ sở thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh”. Theo đó, UBND tỉnh hỗ trợ hàng tháng cho nhân viên hợp đồng công tác tại trạm y tế lưu động ở xã, phường, thị trấn. Mức hỗ trợ 5 triệu đồng đối với chức danh bác sĩ, 3 triệu đồng đối với chức danh chuyên môn y tế, 2 triệu đồng đối với chức danh khác không có chuyên môn y tế.
Ngoài ra, hỗ trợ mỗi tháng 3 triệu đồng cho viên chức công tác tại trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực xã, phường, thị trấn đối với chức danh bác sĩ; 2 triệu đồng đối với các chức danh còn lại. Với mức hỗ trợ này, các bác sĩ, nhân viên y tế công tác tại trạm y tế thu nhập từ 8 đến hơn 10 triệu đồng/người/tháng.
Ngành y tế Bình Dương dự báo thời gian tới dịch SXH có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả. Hiện, Bình Dương thực hiện chiến dịch vệ sinh, diệt lăng quăng trên toàn tỉnh.