Nhân sâm là loại thuốc bổ quý, nhưng dùng theo cách này dễ biến thành "độc dược"

Ngọc Minh |

Lương y Vũ Quốc Trung cho hay nhân sâm có tác dụng tăng cường sức khỏe nhưng cần phải sử dụng đúng cách. Nếu sử dụng nhân sâm sai cách có thể gây ra ngộ độc rất nguy hiểm.

Thấy mệt là dùng nhân sâm

Hiện nay, các sản phẩm nhân sâm khá phổ biến trên thị trường Việt Nam. Với tâm lý nhân sâm là loại thuốc bổ quý, không ít gia đình sẵn có nhân sâm thường tự mang ra dùng. Ít ai biết được dùng nhân sâm cần phải dùng theo chỉ định bác sĩ nếu không có thể nguy hiểm cho sức khỏe.

Ths. Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam cho hay nhân sâm có tác dụng tăng cường sức khỏe, bổ khí rất tốt cho những trường hợp khí bị hư nhưng cần phải sử dụng đúng cách. Nếu sử dụng nhân sâm sai cách có thể gây ra ngộ độc và tử vong.

Khi cảm thấy cơ thể mệt mỏi mang nhân sâm ra dùng sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt người dùng đang bị tỳ vị hư hàn (đau bụng, tiêu chảy hoặc ăn uống kém khó tiêu). Bời vì, nhân sâm có tính lạnh nếu dùng cho trường hợp này có thể gây tử vong.

"Cần lưu ý nhân sâm là thuốc bổ nhưng chỉ bổ khí mà không bổ huyết. Vì vậy việc dùng nhân sâm để nâng cao thể trạng sức khỏe cần phải kết hợp với các vị thuốc bổ huyết như thục địa. Hoặc có thể phối hợp với nhiều vị thuốc bổ khác", Lương y Vũ Quốc Trung nói.

Nhân sâm có thể làm giảm hoặc tăng huyết áp là do cách dùng của bác sĩ. Người có bệnh cao huyết áp hoặc huyết áp thấp không nên tùy tiện dùng sâm khi chưa có chỉ định. Nhân sâm không phải là loại thuốc có thể dùng bừa bãi.

Dùng nhân sâm phải có liều lượng phù hợp với sức khoẻ 

Theo Lương y Vũ Quốc Trung nhân sâm là một vị thuốc vì vậy cần phải dùng theo một liều lượng nhất định. Liều lượng dùng phù hợp với sức khỏe cần phải có sự kê đơn của bác sĩ chuyên về Đông y.

Nhân sâm là loại thuốc bổ quý, nhưng dùng theo cách này dễ biến thành độc dược - Ảnh 1.

Nhân sâm dùng sai dễ thành độc dược, ảnh minh họa.

Dùng nhân sâm quá nhiều có thể gây ra tình trạng khó chịu, chướng bụng đầy hơi do các chất không thể chuyển hóa hết. Chỉ nên dùng không quá 20gram/ ngày tương đương với 1-2 lát.

Khi dùng nếu sâm cứng có thể hấp cơm cho mềm, lót giấy để lên chảo sao nhỏ lửa, hãm lấy nước uống. Nên cho thêm một lát gừng sống hoặc tẩm nước gừng sao để tăng tính ấm của nhân sâm.

Không dùng sâm ngay sau khi uống thuốc tây

Còn theo Đại tá, Lương y Bùi Hồng Minh, Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình cần tránh phải lưu ý khi dùng sâm khi uống thuốc tây điều trị. Nhân sâm kỵ với thuốc đông máu nếu sử dụng có thể gây ra hiện tượng chảy máu bất thường cho bệnh nhân. Vì vậy, người đang uống thuốc đột quỵ nên tránh dùng nhân sâm.

Hoặc với những bệnh nhân đang dùng thuốc rối loạn tâm thần, trầm cảm, tâm thần phân liệt… có thể gây ra hậu quả khó lường tới thần kinh. Do sâm có một số hoạt chất có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc gây hại cho thần kinh.

"Đối với các trường hợp đang dùng thuốc tây khác nếu muốn dùng nhân sâm nên cách 2 giờ sau uống thuốc. Khoảng cách 2 giờ là thời gian để thuốc đã chuyển hóa trong cơ thể, khi đó dùng nhân sâm sẽ không làm mất đi tác dụng của thuốc", Lương y Bùi Hồng Minh nói.

Lương y Bùi Hồng Minh khuyến cáo, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại nhân sâm giả hoặc vì lợi ích kinh tế bị thổi phồng công dụng. Thực tế công dụng chính của sâm chỉ là bổ khí. Tốt cho các trường hợp thiếu máu, suy nhược cơ thể, kiệt sức, mắc bệnh lâu ngày khí tổn thương, hay quên, hồi hộp, phụ nữ băng huyết…

Để tránh mua phải sâm giả cần lưu ý tới hình dáng và màu sắc, sâm phải có hình người, màu như mật ong hoặc hổ phách, cứng. Sâm có mùi thơm và ngọt khi nhai. Khi thấy sâm có màu sắc và mùi khắc thường thì tuyệt đối không nên mua dùng.

Khi dùng nhân sâm bồi bổ thì cần phải tham khảo ý kiến của chuyên gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại