Thông thường từ 20 tuổi trở đi, mỗi ngày chúng ta mất khoảng 3000 tế bào thần kinh và các gốc tự do được cho là kẻ thù của việc giảm trí nhớ. Vậy làm thế nào để có thể nhận biết được suy giảm trí nhớ này là bình thường do tuổi tác hay bệnh lý, chúng ta hãy cũng tìm hiểu trong những phần tiếp theo.
Suy giảm trí nhớ bình thường do tuổi tác
Số lượng tế bào não bắt đầu giảm dần sau tuổi 20, tuổi càng lớn thì sự suy giảm càng nhiều. Thỉnh thoảng, bạn có thể suy nghĩ khá lâu mới nhớ được tên người bạn, quên việc mình đang định làm… nhưng ở một thời điểm khác bạn có thể nhớ lại. Hay đôi khi quên từ muốn nói, quên khoản chi hàng tháng, để quên đồ vật, đôi khi đưa ra quyết định sai lầm, quên việc mình đang định làm nhưng nhớ lại sau đó, chưa ảnh hưởng hoạt động sống, nghề nghiệp.
Vậy nguyên nhân gì dẫn đến suy giảm trí nhớ? Một số nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ bao gồm: Bệnh trầm cảm, thiếu hụt vitamin, uống quá nhiều rượu, các vấn đề về bệnh lý tuyến giáp, do tác dụng phụ của một số thuốc…
Suy giảm trí nhớ bệnh lý hay sa sút trí tuệ (SSTT) là gì?
SSTT là một thuật ngữ chung mô tả một bệnh lý thoái hóa thần kinh gây ra giảm dần trí nhớ và rối loạn chức năng nhận thức (so với trước đây), điều này ảnh hưởng đến hoạt động sống và việc làm hàng ngày. SSTT tăng dần theo tuổi đặc biệt từ 60 tuổi trở đi. Ở người trên 60 tuổi cứ tăng 5 tuổi thì tỉ lệ SSTT tăng gấp đôi. SSTT ảnh hưởng đến 5,4% người hơn 65 tuổi. Hiện có 8,5 triệu người Châu Âu mắc bệnh Alzheimer (Việt Nam tỷ lệ mắc bệnh là 4,6%).
Các triệu chứng sa sút trí tuệ
- Giảm trí nhớ (bắt buộc): Quên tên người thân, giảm khả năng suy luận, giảm khả năng học và lưu trữ thông tin mới.
- Giảm ngôn ngữ, khó khăn khi tìm từ, phải nói vòng vo, nói nửa chừng, không nói được câu hội thoại phức tạp.
- Mất định hướng thị giác không gian: Đi lạc ngay cả nơi quen thuộc.
- Mất động tác: Giảm khả năng thực hiện động tác quen thuộc. Không thực hiện được sinh hoạt cơ bản như ăn uống tắm giặt, vệ sinh.
- Mất nhận thức: Không nhận thức được đồ vật, cuối cùng là không nhận ra chính mình.
- Mất khả năng phán đoán suy luận.
- Biểu hiện khác: trầm cảm, lo âu, kích động, la hét, vô cảm, ảo giác …
Phòng ngừa sa sút trí tuệ như thế nào?
Để phòng ngừa bệnh SSTT cũng như những tiến triển triển của bệnh lý này chúng ta cần điều trị hiệu quả các yếu tố nguy cơ bệnh lý mạch máu não, có chế độ dinh dưỡng cho não bộ và tập thể dục thường xuyên, tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động trí tuệ.
Dưới đây là một số gợi ý về chế độ dinh dưỡng cho não bộ:
- Nên chọn rau sống, củ quả (các loại đậu, hạt), trái cây, và ngũ cốc nguyên vỏ cám là thực phẩm chính.
- Ăn mỗi ngày khoảng một nắm tay các loại hạt (hạt dẻ, dưa, hướng dương...) để cung cấp đủ vitamin E.
- Cung cấp vitamin B12, từ thức ăn hoặc thuốc bổ sung.
- Viên đa sinh tố không chứa sắt và đồng.
- Tham gia tập thể dục nhịp điệu hoặc đi bộ nhanh khoảng 40 phút/ngày, ba lần mỗi tuần.
Bên cạnh đó, việc phát hiện và điều trị sa sút trí tuệ ngay từ giai đoạn sớm sẽ giúp ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh. Nếu bạn có những dấu hiệu hoặc nghi ngờ mình có nguy cơ suy giảm trí nhớ bệnh lý hay tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để có thể được khám và điều trị đúng cách thay vì việc nghe theo những lời quảng cáo, truyền miệng về Thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung. Để có thể được sử dụng và lưu hành trên thị trường, các loại thuốc đều đã trải qua quá trình dày công nghiên cứu và thử nghiệm. Trong đó, có nhiều loại thuốc có nguồn gốc tự nhiên, thành phần gồm alkaloid chiết xuất từ cây Vincar Minor (vin-ca mai-nơ), một loài cây dừa cạn Châu Âu được sử dụng như bài thuốc dân gian hàng trăm năm qua ở cả Châu Âu, Châu Á.