Ung thư vú
Ung thư vú là tình trạng khối u ác tính phát triển ở các tế bào vú. Ung thư vú hầu hết xuất hiện ở nữ giới. Phụ nữ ở tất cả các độ tuổi, sắc tộc đều có thể mắc ung thư vú.
Ngoài ra, những người bị đột biến ADN tế bào vú khiến cho các tế bào bị mất kiểm soát trong quá trình phát triển cũng rất dễ mắc phải bệnh này.
Ung thư vú ở giai đoạn đầu thường không gây đau đớn và có thể không có triệu chứng gì. Tuy nhiên, nếu khối u vú phát triển, bệnh có thể gây ra các triệu chứng sau: Vú bị sưng, biến dạng hay kích ứng da vùng vú hoặc vùng dưới cánh tay.
Xuất hiện khối u cứng ở vú. Vú bị thay đổi kích thước hoặc hình dạng. Quầng vú hoặc núm vú có sự thay đổi màu sắc hay các thay đổi khác, chẳng hạn như xuất hiện nếp nhăn hoặc đóng vảy. Vú tiết dịch, bị thụt vào trong hoặc có cảm giác đau.
Việc phát hiện sớm ung thư vú qua sự tầm soát ở những phụ nữ bình thường đã cải thiện đáng kể tiên lượng bệnh.
Ung thư vú nếu được phát hiện và điều trị sớm thì tỷ lệ sống sót là 90% và chất lượng sống của bệnh nhân được tăng lên rõ rệt. Nếu chưa di căn ra mô xung quanh và hạch bạch huyết tỷ lệ sống sót là 100%.
Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở phái nữ. Tuổi thường gặp ung thư cổ tử cung là 30-59, đỉnh cao là 48-52 tuổi. Bệnh diễn ra âm thầm, không có dấu hiệu cụ thể để nhận biết.
Chỉ đến khi có những triệu chứng như ra máu bất thường không liên quan đến kỳ kinh hay sau khi giao hợp, ra khí hư, hôi, đau bụng vùng chậu, tiểu buốt... thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Đối với tầm soát ung thư cổ tử cung thì đặc hiệu hơn. Chị em nữ nên tầm soát định kỳ bằng xét nghiệm tế bào âm đạo cổ tử cung.
Ngoài ra, nếu có nghi ngờ, thì nên làm xét nghiệm định typ HPV xem có bị nhiễm các type virut có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung hay không. Vì theo thống kê thì 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung là do HPV 16, 18.
Ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh ung thư phụ khoa rất nguy hiểm do tiến triển nhanh và diễn biến âm thầm.
Yếu tố nguy cơ cao của ung thư buồng trứng gồm: Gia đình có mẹ, chị/ em gái mắc ung thư buồng trứng, ung thư vú; mang gene đột biến BRCA1, BRCA2 thì nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn.
Ung thư buồng trứng có thể gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau, đang dần trẻ hóa nhưng phổ biến hơn cả ở nữ giới thời kì mãn kinh, ngoài 40 - 50 tuổi.
Trường hợp có kinh nguyệt sớm, mãn kinh muộn cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Nữ giới thừa cân, béo phì, có thời gian nuôi con bằng sữa mẹ ít, khoảng dưới 7 tháng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao gấp khoảng 3 lần so với người khác.
Ung thư buồng trứng giai đoạn đầu ít có biểu hiện, các triệu chứng bệnh rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý đường tiêu hóa.
Một số dấu hiệu cảnh báo mắc ung thư buồng trứng gồm: Đau vùng chậu, đau bụng, chu kì kinh nguyệt không đều, chảy máu âm đạo bất thường, trướng bụng, khó tiêu, táo bón, đau khi quan hệ tình dục, mệt mỏi, sút cân không rõ nguyên nhân...
Ung thư biểu mô tuyến giáp
Ở nước ta, ung thư biểu mô tuyến giáp đứng top đầu trong các loại ung thư hay gặp ở phụ nữ với tần suất mắc theo tuổi ở nữ giới là 5,6/100.000 dân.
Ung thư biểu mô tuyến giáp biệt hóa chiếm khoảng 90% các bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến giáp và thường có tiên lượng tốt do bệnh tiến triển chậm, có thể phẫu thuật triệt căn và đáp ứng với điều trị I-131.
Các nguyên nhân gây bệnh: Bệnh nhân được điều trị tia xạ lúc bé, khi có u đơn nhân giáp trạng dễ nghi ngờ ung thư.
Bệnh nhân sống gần biển, nơi có đủ iod trong thực phẩm, khi có u đơn nhân giáp trạng dễ bị ung thư hơn so với những nơi thiếu iod. Bệnh nhân có u đơn nhân hoặc đa nhân giáp trạng.
Dấu hiệu nhận biết: Xuất hiện u giáp trạng có đặc điểm cứng, bờ rõ, bề mặt có thể nhẵn hay gồ ghề, di động theo nhịp nuốt.
Xuất hiện hạch vùng cổ thường nhỏ, mềm, di động và cùng bên với khối u. Triệu chứng muộn thì khối u to, rắn, cố định trước cổ, khàn tiếng, có thể khó thở, khó nuốt, nuốt vướng do u chèn ép. Da vùng cổ có thể bị thâm nhiễm hoặc sùi loét chảy máu.
Ung thư nội mạc tử cung
Ung thư nội mạc tử cung là ung thư xảy ra ở lớp lót bên trong của tử cung. Dấu hiệu thường thấy là chảy máu âm đạo bất thường, đặc biệt là những chảy máu âm đạo ở những phụ nữ đã mãn kinh.
Hầu hết các ung thư này đều chữa trị thành công nếu phát hiện sớm. Những phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư nội mạc tử cung: 50-60 tuổi hay già hơn nữa.
Thừa hormon estrogen trong cơ thể, những yếu tố làm tăng hormon này là béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường. Đang điều trị bằng liệu pháp hormon estrogen thay thế đơn thuần, không có progestin.
Những yếu tố như có kinh nguyệt sớm (trước 12 tuổi), xuất huyết âm đạo sau thời kỳ mãn kinh, ở các phụ nữ không sinh con... là những nguy cơ rủi ro của bệnh ung thư nội mạc tử cung.
Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung có thể bao gồm: chảy máu sau mãn kinh, kéo dài thời gian hoặc chảy máu giữa chu kỳ bất thường, đau vùng chậu, đau khi giao hợp...