Cả gia đình ngộ độc vì ăn trứng cóc nấu với gừng
TS.BS Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình chia sẻ, 8/9 thành viên của gia đình nói trên đã ăn món ăn được chế biết từ bọc trứng cóc nấu với gừng. Sau khi ăn xong 8 người ăn và sau ăn đều có dấu hiện nôn mửa, đau bụng, hoa mắt, chóng mặt và sau đó là khó thở, được người thân đưa nhập Trung tâm y tế huyện.
Một thành viên trong gia đình ăn trứng cóc nhiều nhất đã tử vong. Một cụ ông không ăn món chế biến từ trứng cóc nên may mắn không ảnh hưởng sức khoẻ.
Được biết, gia đình các nạn nhân đã vớt trứng cóc ở ao hồ, vì nhầm với trứng ếch nên đã đem nấu ăn và dẫn tới ngộ độc.
Khi nhập Bệnh viện đa khoa tỉnh, 7 bệnh nhân vẫn liên tục nôn mửa, đau bụng, chóng mặt, khó thở, một số có biểu hiện co giật, ảo giác.
Các bệnh nhân nhanh chóng được bơm rửa dạ dày để loại bỏ chất độc ra khỏi dạ dày, dùng các chất tẩy rửa đường tiêu hóa để loại bỏ chất độc ra khỏi đường ruột và cho thuốc điều chỉnh các rối loạn khác.
Các bác sĩ đang cố gắng điều trị tích cực để bệnh nhân được ra viện đón Tết
Hiện tại, 7 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn đang phải điều trị và chăm sóc đặc biệt. Bác sĩ Tình cho biết, bệnh viện thực hiện nhiều biện pháp điều trị để bệnh nhân ổn định có thể xuất viện về nhà đón Tết.
Bác sĩ Tình khuyến cáo, người dân không nên chế biến món ăn từ cóc vì sự nguy hiểm của các chất độc có trong một số bộ phận trên cơ thể cóc.
Trên da, tổ chức dưới da, trứng, gan, ruột của cóc rất độc do có chứa nọc độc (bufotoxin ) gồm nhiều độc tố nguy hiểm như: bufotalin, bufotonin, bufotenin, chúng có tác dụng gây rối loạn nhịp tim nặng, ngừng tim và ức chế hô hấp dẫn đến tử vong nhanh.
Các bệnh nhân đang được rửa dạ dày, thải độc.
Theo bác sĩ Hoàng Sầm – Viện Y học bản địa Việt Nam đa số trường hợp ngộ độc thịt cóc đều do ăn phải các chất độc trong con cóc. Bình thường khi chạm phải cóc không gây ngộ độc nhưng chất nhầy bài tiết của con cóc dính vào một số vùng nhạy cảm như mắt, miệng... thì có thể gây ra hiện tượng rát bỏng, sưng phồng.
Khi chất nhầy này được hấp thụ qua đường tiêu hóa (ăn phải các thức ăn làm từ cóc như thịt cóc, ruốc cóc…) sẽ gây ngộ độc. Các độc tố trong thịt cóc không bị nhiệt phân hủy nên trong quá trình chế biến không an toàn, bị dính sang thịt cóc.
Triệu chứng ngộ độc độc tố cóc biểu hiện cấp tính, xuất hiện từ 1 - 2 giờ sau khi ăn. Nếu người ăn uống thêm bia, rượu thì cơn ngộ độc có thể xảy ra sớm hơn.
Biểu hiện của ngộ độc thịt cóc như sau: Người bệnh bị chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội, có thể bị tiêu chảy; hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, sau đó loạn nhịp tim, rung thất, block nhĩ - thất, trụy tim mạch, huyết áp lúc đầu cao sau đó tụt; rối loạn cảm giác (đau như kim chích ở đầu ngón tay, chân, tê môi), chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, tăng tiết nước bọt, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim; bí đái, thiểu niệu, vô niệu và nặng dẫn đến suy thận cấp.
Ngộ độc do độc tố của cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời ở những trung tâm y tế mới có hiệu quả.