Nguyên tắc ăn bánh chưng vừa ngon miệng lại tốt cho sức khỏe

Vân Anh (Tổng hợp) |

Bánh chưng ngày Tết ngon nhưng chứa nhiều calo và chất béo, chúng ta cần lưu ý một số điều sau khi ăn bánh để tốt cho sức khỏe.

Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết, nhưng ăn nhiều lại khiến bạn tăng cân. Một chiếc bánh chưng với trọng lượng gần 1kg có đủ 4 nhóm thực phẩm: Gạo nếp (nhóm chất bột đường); thịt lợn, đỗ xanh (nhóm chất béo, nhóm đạm), hành củ, tiêu (nhóm vitamin và khoáng chất).

Nguyên tắc ăn bánh chưng vừa ngon miệng lại tốt cho sức khỏe - Ảnh 1.

Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết, nhưng ăn nhiều lại khiến bạn tăng cân.

Một chiếc bánh chưng trung bình khoảng 1kg gồm 2.600 kcal. Nếu ăn 1/8 chiếc bánh chưng, bạn sẽ nạp vào khoảng hơn 300 kcal. Như vậy 1/8 chiếc bánh chưng tương đương bữa sáng với 1 bát bún mọc (khoảng 350 kcal), 1 bát phở (khoảng 500 kcal).

Vậy ăn bánh chưng như thế nào vừa ngon miệng mà lại không sợ béo? Hãy cùng tham khảo một số lưu ý dưới đây để ăn bánh chưng vừa ngon lại tốt cho sức khỏe.

Ăn bánh chưng kèm với rau xanh

Bánh chưng chứa nhiều chất đạm từ đậu xanh, chất béo từ thịt mỡ và chất bột đường từ gạo nếp nhưng lại thiếu chất xơ, vitamin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

Do đó, để đảm bảo dinh dưỡng, bạn nên ăn kèm với rau xanh hoặc các loại dưa muối, dưa hành. Điều này không chỉ giúp cân bằng dinh dưỡng mà còn giúp bạn cảm thấy đỡ ngán hơn. Ngoài ra, sau khi ăn xong, bạn nên ăn nhiều trái cây để hạn chế lượng chất béo nạp vào cơ thể.

Hạn chế ăn bánh chưng vào buổi tối

Do bánh chưng nhiều năng lượng, nên ăn vào bữa sáng hoặc bữa trưa, khi cơ thể có nhiều hoạt động khác để tiêu hao năng lượng. Tránh ăn vào buổi tối dễ bị tích lũy và chuyển hóa thành mỡ thừa, gây tăng cân và khó tiêu.

Không ăn bánh chưng mốc

Với bánh chưng mốc, nhiều người có thói quen gọt bỏ phần mốc, rán lên, bánh vẫn giữ được mùi thơm ngon đặc trưng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bạn nên tránh làm như vậy bởi tất cả các thực phẩm bị mốc đều sinh ra độc tố Aflatoxin. Loại độc tố này nếu tích tụ trong thời gian dài có thể gây ra những bất lợi cho cơ thể.

Không ăn kèm các món có tinh bột khác

Bánh chưng được nấu từ gạo nếp nên chứa rất nhiều tinh bột. Một lần ăn bạn chỉ nên ăn một lát nhỏ. Ngoài ra, nếu đã ăn bánh chưng rồi thì bạn không nên ăn thêm các món ăn chứa nhiều tinh bột khác như cơm, xôi, bánh mì. Vì nếu cơ thể nạp quá nhiều tinh bột trong một bữa ăn sẽ dẫn đến tình trạng tăng cân, béo phì.

Hạn chế ăn bánh chưng rán

Ngoài bánh chưng luộc, nhiều người còn có sở thích ăn bánh chưng rán vì mùi vị hấp dẫn và thơm ngon. Tuy nhiên, bánh chưng khi rán lên sẽ tích tụ rất nhiều chất béo, không tốt cho cơ thể. Nếu ăn nhiều, bạn sẽ dễ bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu và tăng cân nhanh.

Ngoài nguy cơ tăng cân, ăn bánh chưng nhiều còn làm tăng mỡ, tăng lượng đường trong máu gây bệnh đái tháo đường, mỡ máu cao, tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch… Vì vậy, người bình thường cũng không nên ăn nhiều.

Đặc biệt đối với những người bị thừa cân, béo phì, người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch càng phải hạn chế. Nếu thích cũng chỉ nên ăn một lát bánh chưng thật mỏng và không dùng thêm các thức ăn nhiều tinh bột và đạm, béo khác như cơm, xôi, bánh mỳ; thịt... Nên uống nhiều nước đồng thời tăng cường ăn nhiều rau xanh và trái cây để cân đối dinh dưỡng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại