Không có một định nghĩa chính xác “người trẻ” là như thế nào, tuy nhiên về mặt thống kê, ung thư ở người trẻ thường được tổng kết là ung thư ở những người từ 20 - 39 tuổi.
Hầu hết những loại ung thư thường gặp ở người trẻ khác biệt khá nhiều so với trẻ em hay người lớn tuổi.
Ung thư ở người trẻ là sự kết hợp của nhiều loại ung thư có thể xảy ra ở trẻ em, thiếu niên và người lớn tuổi.
Những người trưởng thành trẻ tuổi có thể mắc các loại ung thư thường gặp ở trẻ em, chẳng hạn như: ung thư máu (bệnh bạch cầu), ung thư hạch bạch huyết (Lymphoma: Hodgkin và không Hodgkin), Sarcom (ung thư của mô liên kết như cơ hay xương)…
Mặt khác, những người trẻ tuổi cũng có thể mắc các loại ung thư “trưởng thành”như: ung thư vú, ung thư tuyến giáp, ung thư tinh hoàn, ung thư đại trực tràng…
Ung thư xảy ra như là hậu quả của các đột biến gen trong tế bào của chúng ta. Một số người nhận các gen đột biến di truyền từ bố mẹ, làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư hoặc mắc ung thư sớm hơn bình thường.
Ví dụ, đột biến gen BRCA là tăng nguy cơ ung thư vú và một số ung thư khác, và đột biến gen APC là tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Bia rượu nhiều, lười vận động, hút thuốc và ăn uống không điều độ là những yếu tố nguy cơ khiến ung thư ở người trẻ tuổi ngày càng gia tăng. Ảnh minh hoạ: Internet
Nhưng nhiều bệnh ung thư có liên quan đến các yếu tố nguy cơ từ lối sống không lành mạnh như hút thuốc, thừa cân, ăn uống không lành mạnh, lười vận động và uống nhiều rượu bia.
Ô nhiễm môi trường như phóng xạ, ô nhiễm không khí, hóa chất độc hại tại nơi làm việc hay tia xạ khi làm xét nghiệm y khoa hoặc trong lúc điều trị, cũng có thể gây ra một số bệnh ung thư ở người lớn.
Tuy nhiên, còn có một số nguyên nhân đã biết gây ra ung thư ở người trẻ tuổi, như: tiếp xúc với tia cực tím (tia UV) khi phơi nắng hay từ máy tắm nắng có thể làm tăng nguy cơ ung thư hắc tố bào và một số ung thư da khác; nhiễm virút HPV làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung và một số ung thư khác (âm hộ, dương vật, hậu môn, hốc miệng…)…
Cách giảm nguy cơ ung thư
- Tránh xa mọi loại thuốc lá.
- Giữ cân nặng hợp lý.
- Vận động thường xuyên.
- Ăn uống khoa học với thật nhiều trái cây và rau xanh.
- Giảm bớt lượng bia rượu nếu có uống.
- Bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời.
- Biết được tiền sử bệnh của bản thân, gia đình và những yếu tố nguy cơ ung thư của mình.
- Thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm tầm soát ung thư.