Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 126.000 ca mới mắc ung thư và 94.000 ca tử vong do ung thư, gấp 9 lần con số tử vong do tai nạn giao thông. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có tối thiểu 189.344 ca ung thư mới mắc.
Ung thư là căn bệnh nguy hiểm, khó chữa trị và có tỷ lệ tử vong cao, có hơn 200 loại ung thư được phát hiện. Bệnh ung thư đang trở thành nỗi ám ảnh của mọi gia đình.
Mới đây khi có thông tin các nhà nghiên cứu tại Trường đại học Stanford (Mỹ) đã phát triển một loại vắc-xin chống ung thư. Vắc-xin này có thể loại bỏ hoàn toàn căn bệnh ung thư ở những con chuột, khi chúng được biến đổi gien để phát triển một loạt khối u khác nhau. Loại vắc-xin mới hoạt động không giống như vắc-xin thông thường. Thay vì tiêm phòng để ngăn ngừa mắc bệnh, các nhà khoa học tiêm trực tiếp vào vị trí khối u.
Những con chuột trong phòng thí nghiệm được cấy ghép u lympho ở hai vị trí trong cơ thể hoặc được biến đổi gien để phát triển ung thư vú. Trong số 90 con chuột mắc u lympho, 87 cá thể đã khỏi hoàn toàn. Loại vắc-xin mới cũng có hiệu quả trên những con chuột bị biến đổi di truyền để phát triển ung thư vú. Vắc xin mới sẽ sớm được thử nghiệm trên 15 người bệnh bị u lympho cấp thấp.
Nếu kết quả khả quan, vắc xin sẽ được sử dụng để điều trị các khối u trong tương lai trước khi phẫu thuật cắt bỏ, giúp ngăn ngừa di căn hoặc tái phát.
Những loại vắc xin này đang trở thành tia hi vọng cho rất nhiều bệnh nhân đang bị ung thư ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Trong câu lạc bộ những bệnh nhân ung thư tại Việt Nam không ít bệnh nhân tin rằng vắc xin này sẽ giúp họ khỏi bệnh.
80% do môi trường
Về phần này, GS Nguyễn Bá Đức – Nguyên Giám đốc Bệnh viện K trung ương khẳng định không có vắc xin nào phòng được tất các bệnh ung thư. Vắc xin là đi theo cơ chế kháng nguyên kháng thể để sinh ra miễn dịch. Kháng nguyên này đi theo con đường khác nhau thì sinh ra kháng thể khác nhau thì không thể có vắc xin phòng được tất cả các bệnh ung thư.
Tại Mỹ hàng năm có rất nhiều nghiên cứu để điều trị ung thư và các phương pháp phòng bệnh tự điều trị trúng đich đây là những kỳ vọng của loài người.
Còn vắc xin phòng ung thư, theo Giáo sư Đức, vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm trên chuột. Tuy nhiên thử nghiệm ở trên vật không thể giống như người. Trung bình một năm hàng nghìn nghiên cứu nhưng tỷ lệ thành công rất nhỏ. Vì vậy đừng tin và mừng vội vì còn rất nhiều nghiên cứu tiếp theo mới đạt đến thành công chữa khỏi được ung thư.
Giáo sư Đức cho biết bệnh ung thư do 80% do môi trường còn lại là do đột biến gen. Chính vì vậy cần tuyên truyền bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, luyệt tập để giảm thiểu nguy cơ ung thư không phải là do số mệnh.
Khi bị chẩn đoán ung thư người bệnh cần tuân thủ điều trị, cần tầm soát sớm bệnh chứ đừng tham công tiệc việc khám muộn sẽ điều trị khó khăn.
GS Nguyễn Bá Đức
Việc phát hiện sớm điều trị đơn giản và tỷ lệ khỏi là rất lớn. Khi bị bệnh ung thư, người bệnh cần chia sẻ chứ không nên giấu bệnh và tập trung nguồn lực để được điều trị hiệu quả nhất (kinh tế, sức khỏe, dinh dưỡng, luyệt tập). Thay vì trông chờ vào một phép màu nào đó thì người bệnh nhân tập trung điều trị theo phác đồ bác sĩ dành cho mình.
GS Đức cho biết ngày nay công tác tuyên truyền tốt hơn, người dân có hiểu biết về bệnh, phát hiện sớm, và việc sử dụng an toàn thực phẩm mọi người có kiến thức hạn chế sử dụng thuốc sâu, hạn chế tiếp xúc chất độc hại, mọi người biết chăm sóc sức khỏe, tự khám vú và khám sức khỏe định kỳ, thuốc hiện đại, phương tiện chẩn đoán hiện đại.. nên tỷ lệ chữa khỏi rất cao.
Mỗi người nên lắng nghe sự thay đổi của cơ thể để đến bệnh viện sớm nhất.