Số ca bệnh ngày càng tăng
Tại Hội thảo về "Điều trị bệnh lý ung thư dạ dày" mới đây, TS. BS Võ Duy Long – Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y dược, TP.HCM cho biết, mỗi năm Việt Nam ghi nhận 17 nghìn ca mắc ung thư dạ dày. Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là bệnh nhân ung thư dạ dày đang trẻ hóa và đa số người bệnh vào viện trong tình trạng bệnh đã xâm lấn, giai đoạn trễ khiến việc điều trị đạt kết quả không được tốt.
Bác sĩ Long cho biết, ung thư dạ dày cũng như nhiều bệnh ung thư khác, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm người bệnh hoàn toàn có cơ hội điều trị khỏi bệnh lên tới 95%. Nếu ở giai đoạn tế bào ung thư xâm lấn dạ dày chưa vượt qua lớp hạ niêm mạc thì bệnh nhân có thể điều trị tại chỗ.
Nguy cơ ung thư vì sở thích ăn kiểu “đằm đằm” của người Việt
TS Long cho biết, hiện nay nguyên nhân gây ung thư dạ dày chưa được xác định rõ nhưng các yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày được chỉ ra như những người bị viêm loét dạ dày có vi khuẩn HP, những người có thói quen ăn uống ít rau, ăn nhiều đồ có chất bảo quản, ăn mặn, ăn cá muối, dưa muối khú, thịt nướng cháy…
Đặc biệt là thói quen ăn mặn, bác sĩ đã gặp rất nhiều bệnh nhân bị ung thư dạ dày có tiền sử ăn mặn nhiều chục năm và họ không biết rằng ăn mặn làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
So với các bệnh ung thư khác, ung thư dạ dày có dấu hiệu rất mơ hồ. Người bệnh thường cảm giác như chán ăn, hơi đau tức thượng vị nhưng nghỉ ngơi lại hết. Tuy nhiên, khi các dấu hiệu xuất hiện như chán ăn, mệt mỏi, đau tức thượng vị nhiều hơn, đi đại tiện phân đen, nôn ói… thì bệnh đã ở giai đoạn xâm lấn.
Vì sao ăn mặn gây ung thư dạ dày?
Nói về ăn mặn, PGS TS Lê Bạch Mai – nguyên Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia hiện nay người Việt đang ăn quá nhiều muối, nhiều gấp đôi nhu cầu cơ thể cần. Thói quen ăn mặn này đã có từ lâu và ở hết các tỉnh thành.
Trực tiếp PGS Mai khảo sát đa số mọi người đều thích ăn các món ăn phải đậm vị, họ không thích ăn nhạt nhẽo. Đó còn chưa kể lượng muối trong thức ăn sẵn, đồ hộp…
Do đó những người đã có nguy cơ về ung thư dạ dày cần xem lại lượng muối ăn hàng ngày của mình cẩn thận, tránh những thực phẩm chứa nhiều muối mà mình vẫn ưa thích.
Nếu phát hiện sớm, ung thư dạ dày điều trị thành công tới hơn 90 %
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trong khẩu phần hàng ngày của người lao động nặng nên được cung cấp dưới 2000mg natri (tương đương với <5g muối/ngày).
Trong khẩu phần của người Việt Nam thì khoảng 10% lượng natri đã có sẵn trong thực phẩm tự nhiên, 20% lượng natri đến từ các thực phẩm chế biến sẵn và 70% lượng natri là do người lao động cho vào trong quá trình chế biến và ăn. Natri thường có trong thức ăn nguồn động vật nhiều hơn thức ăn nguồn thực vật. Natri được tìm thấy có sẵn trong nhiều loại thực phẩm như sữa, thịt và hải sản.
Natri thường có nhiều trong các thực phẩm chế biến sẵn như bánh mỳ, bánh quy, thịt chế biến sẵn và đồ ăn vặt (snack foods). Natri cũng có nhiều trong nhiều loại gia vị (như nước mắm, xì dầu, bột canh, hạt nêm …).
Trong ung thư dạ dày, vi khuẩn HP là yếu tố nguy cơ chính, do loại vi khuẩn này gây nên viêm mạn tính ở dạ dày và tạo thành những ổ loét, dẫn tới ung thư hóa. Muối là yếu tố thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn HP này.
Muối đồng thời còn hoạt động như một yếu tố kích thích viêm trên thành dạ dày, làm thành dạ dày nhạy cảm hơn với các yếu tố gây ung thư khác.
Nghiên cứu của tác giả D’Elia và cộng sự trên 270.000 người và theo dõi trong 6-15 năm cho thấy những người ăn nhiều muối tăng 68% nguy cơ ung thư dạ dày so với những người ăn ít muối hơn. Một nghiên cứu khác còn tìm thấy rằng với mỗi gram muối ăn thêm mỗi ngày thì nguy cơ ung thư dạ dày tăng thêm 8%.
Cách phát hiện ung thư dạ dày tốt nhất, TS Long cho biết đó là nội soi bằng ống mềm. Phương pháp này được triển khai ở nhiều cơ sở y tế từ cấp huyện. Nội soi ống mềm cho phép quan sát được các thay đổi của niêm mạc dạ dày và tiến hành sinh thiết qua nội soi để có chẩn đoán mô bệnh học, qua đó cho phép chẩn đoán các ung thư dạ dày tại chỗ hoặc xâm lấn.
Ngoài ra các tổn thương tiền ung thư cũng có thể thấy được trên nội soi như: viêm teo, loét, polyp hoặc các tổn thương dạng tăng sản biểu mô tuyến. Sinh thiết các tổn thương nghi ngờ cũng có thể phát hiện các tổn thương tiền ung thư trên mô bệnh học như viêm teo, tăng sản, dị sản, loạn sản…
Ngoài ra, nội soi cũng có thể đánh giá tình trạng có hay không có nhiễm HP, một trong số những yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày, giúp cho việc điều trị dự phòng.