Cách đây 11 năm, bà Trương Thị Năm (Tân Yên, Bắc Giang) đã cùng với mẹ đẻ viết đơn gửi cơ quan công an tỉnh Bắc Giang tố cáo ông Hàn Đức Long về hành vi sàm sỡ, khởi đầu cho chuỗi ngày oan sai dài đằng đẵng.
Đến nay, khi vụ án được đình chỉ điều tra, ông Hàn Đức Long được trả tự do, khôi phục mọi quyền công dân thì một câu hỏi được đặt ra, đó là người viết đơn tố cáo này có bị xử lý hay không?
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, trong sự việc này cần phải làm rõ, tố cáo là quyền của công dân được Hiến pháp và Luật tố cáo cho phép.
Ở đây, việc bà Trương Thị Năm và mẹ nghi ngờ ông Hàn Đức Long có hành vi sàm sỡ rồi viết đơn tố cáo thì đó là quyền của họ còn cơ quan điều tra có trách nhiệm làm rõ và giải quyết tố cáo đó trên cơ sở pháp lý.
"Trong trường hợp này, nếu người đó biết rõ là điều mình tố cáo không có thật nhưng vẫn cố tình lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, xúc phạm danh dự người khác thì có thể bị xử lý về tội vu khống.
Còn nếu ở đây là nghi ngờ rồi gửi đơn tố cáo thì đó là quyền của công dân, không vi phạm pháp luật và sự nghi ngờ này còn là động lực để tìm ra sự thật", luật sư Cường nói.
Luật sư Đặng Văn Cường.
Cũng theo luật sư Cường, không phải ai bị tố cáo cũng trở thành tội phạm. Bởi việc chứng minh một người phạm tội là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trên cơ sở pháp lý.
"Trong vụ án oan thì lỗi không phải do bị can nhận tội hay bị hại, người dân nghi ngờ, gửi đơn tố cáo... mà ở chính những người tiến hành tố tụng (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán..).
Cụ thể, họ đã vi phạm thủ tục tố tụng như bức cung, nhục hình để buộc bị can nhận tội, cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án, thu thập đánh giá chứng cứ không đúng quy định
Vì vậy với những vụ án oan như của ông Hàn Đức Long thì trách nhiệm pháp lý trực tiếp là những người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng chứ không phải do bị cáo, bị hại hay người gửi đơn tố cáo", luật sư Cường nhấn mạnh.
Đồng quan điểm đó, luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng nhận định, việc hai mẹ con bà Trương Thị Năm tố cáo ông Hàn Đức Long có hành vi sàm sỡ khác hẳn với vụ án oan hiếp dâm trẻ em và giết người.
"Nếu mẹ con bà Năm tố cáo sai, man trá, bịa đặt về việc ông Hàn Đức Long có hành vi hiếp dâm trẻ em và giết người như vụ án oan thì có thể xem xét xử lý về hành vi vu khống.
Tuy nhiên, như thông tin thì hai mẹ con bà Năm tố cáo ông Long có hành vi sàm sỡ và sau khi bị triệu tập, ông Long đã thú nhận và khai còn là thủ phạm hiếp dâm, giết đứa trẻ 5 tuổi.
Ở đây, việc tố cáo của mẹ con bà Năm là quyền của họ, được pháp luật cho phép nhưng cơ quan điều tra đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng khi suy diễn, võ đoán từ đơn tố cáo sự việc khác rồi chuyển sang truy tố ông Long về tội hiếp dâm trẻ em, giết người dẫn đến oan sai", luật sư Thiệp nêu.
Luật sư Thiệp cũng khẳng định thêm, trong vụ án này, sau khi được xác định là oan sai thì các cơ quan chức năng cần làm rõ, xử lý hình sự đối với các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phá gây ra oan sai chứ không phải xử lý đối với người viết đơn tố cáo như mẹ con bà Năm.
Trước đó, trao đổi với báo chí, bà Năm cho biết, do 2 bên gia đình từng xảy ra mâu thuẫn, nên dù sống ngay gần nhà nhưng hơn 10 năm qua họ không qua lại, trò chuyện với nhau.
Nói về lá đơn tố cáo ông Long cách đây 11 năm, bà Năm cho hay, bản thân bà và mẹ ruột là cụ Ngô Thị Khuyến (thời điểm đó đã ngoài 70 tuổi, hiện đã mất được 3 năm) vốn không biết chữ.
Lá đơn là do bà Năm đọc cho người em dâu cạnh nhà là chị Nguyễn Thị Chung viết, gửi tới cơ quan công an tỉnh Bắc Giang. Khi được hỏi về nội dung lá đơn đó thế nào, bà Năm cho biết hiện tại mình không nhớ.
Bà cũng khẳng định, bản thân sẽ không thay đổi nội dung tố cáo ông Long như cách đây 11 năm.
Còn theo tìm hiểu, sau khi vụ án của cháu Nguyễn Thị Y. xảy ra được khoảng 4 tháng thì bà Chung tìm gặp bà Năm, đưa ra một tờ đơn tố cáo. Nội dung rất rõ ràng là tố cáo đích danh Hàn Đức Long có hành vi sàm sỡ.
Sau khi triệu tập vào tháng 10/2005, ông Hàn Đức Long thú nhận việc này và khai còn là "thủ phạm hiếp dâm, giết đứa trẻ 5 tuổi". Chuỗi ngày oan sai cũng bắt đầu đằng đẵng.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 19h ngày 26/6/2005, một vợ chồng ở thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, Tân Yên, Bắc Giang đi làm đồng về không thấy con gái Nguyễn Thị Y. (5 tuổi) ở nhà.
Sáng sớm hôm sau, một phụ nữ cùng xã đi làm sớm phát hiện thấy xác bé gái tại mương nước gần bờ ruộng. Nhà chức trách xác định, đứa trẻ bị hiếp dâm rồi dìm chết.
Tháng 10/2005, cơ quan điều tra nhận được đơn của hai mẹ con tố cáo cùng bị người cùng thôn là Hàn Đức Long hiếp dâm. Bị triệu tập, Hàn Đức Long thú nhận việc này và khai còn là "thủ phạm hiếp dâm, giết đứa trẻ 5 tuổi nêu trên".
Từ năm 2007 đến 2011, qua 4 phiên tòa, ông Long bị TAND tỉnh Bắc Giang và TAND Tối cao tuyên phạm tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người, hình phạt chung là tử hình. Suốt thời gian này, ông Long liên tục kêu oan, nói do bị ép buộc nên thời điểm bị triệu tập mới nhận tội.
Năm 2014, hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã xét xử giám đốc thẩm lần hai, tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm lần hai và phúc thẩm lần hai đối với bị án Hàn Đức Long để yêu cầu điều tra làm rõ nhiều vấn đề còn mâu thuẫn của vụ án. Hàn Đức Long được tuyên bố không phạm tội Hiếp dâm.
Giữa năm 2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang trong kết luận điều tra bổ sung vẫn tiếp tục đề nghị truy tố ông Long vì cho rằng đủ căn cứ kết tội.
Ngày 20/12, VKSND tỉnh Bắc Giang đánh giá kết quả điều tra lại của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang theo quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, cho thấy chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Long về các tội danh bị khởi tố. Vì vậy, Viện đình chỉ điều tra vụ án với bị can Hàn Đức Long.
VKSND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Công an tỉnh Bắc Giang, UBND xã Phúc Sơn (huyện Tân Yên, Bắc Giang) phục hồi các quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Long theo quy định của pháp luật.