Người tâm thần làm bảo vệ dân phố: Ai chịu trách nhiệm?

Như Loan |

Việc đưa người có tiền sử bệnh tâm thần nhiều năm vào làm việc tại Ban bảo vệ dân phố có đúng quy định của pháp luật? Khi xảy ra hậu quả nghiệm trọng, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Đau xót cái chết của bé trai 6 tuổi

Nạn nhân trong vụ án là cháu N. H. V. K. (6 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM).

Theo nội dung vụ việc, khoảng 13h00 ngày 26/11, cháu K. đi bộ qua một cửa hàng tạp hóa có địa chỉ 96 Trịnh Đình Trọng (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú) để mua bánh.

Thời điểm này, Hoàng Nhất Giang (34 tuổi, ngụ quận 11, TP.HCM, là bảo vệ dân phố thuộc phường 5, quận 11) đang ngồi gần địa chỉ trên thấy cháu K. đi trước mặt liền cầm theo dao nhỏ chạy đến khống chế rồi cứa cổ cháu K. khiến nạn nhân gục xuống đường và tử vong.

Ngay khi nhận tin báo về vụ việc, Công an quận Tân Phú, TP.HCM nhanh chóng có mặt phối hợp với các lực lượng bắt giữ nghi phạm gây án. Đáng chú ý, khi bị bắt giữ gia đình Giang có đưa ra giấy chứng nhận bệnh lý tâm thần.

Tại cơ quan Công an, Giang bình thản khai lý do sát hại bé trai 6 tuổi là bị “ảo giác” và ám ảnh bởi nghe thấy tiếng cháu bé chửi mình là “đồ độc ác”; “đồ ăn cắp”.

Theo lời khai của Giang, gã làm nhân viên bảo vệ tại tổ dân phố 2 (thuộc phường 5, quận 11, TP.HCM) khoảng gần 4 năm nay. Chốt trực nơi Giang làm việc nằm gần nhà gia đình nạn nhân.

Giang cũng cho biết rất mến trẻ con và quý cháu K. Mỗi lần thấy cháu K. dẫn em sang chơi gã đều mua quà bánh cho hai anh em.

Khoảng một tháng gần đây Giang thường xuyên bị ảo giác, khi ngủ gã đều nghe thấy tiếng cháu K. nói trong đầu là: “Đồ ăn cắp”; “Đồ độc ác”.

Trưa 26/11, khi đang nằm ngủ trên võng ở chốt trực Giang bất chợt tỉnh giấc. Khi mở mắt nhìn qua đường thì thấy cháu K. đang mua đồ ở cửa hàng tạp hóa nên Giang cầm theo con dao xếp có gắn lưỡi lam và xuống tay với cháu K.

Nhát cắt tàn độc vào đúng chỗ hiểm khiến nạn nhân gục xuống và tử vong trong sự sững sờ và bàng hoàng của những người chứng kiến.

Ai chịu trách nhiệm việc đưa người tâm thần làm bảo vệ dân phố?

Báo cáo sơ bộ từ Công an quận Tân Phú cho biết, Hoàng Nhất Giang có tiền sử bệnh tâm thần. Tuy nhiên, tại sao bị tâm thần mà lại tham gia lực lượng bảo vệ dân phố thì vẫn đang được làm rõ.

Việc đưa người có tiền sử bệnh tâm thần nhiều năm vào làm việc tại Ban bảo vệ dân phố có đúng quy định của pháp luật? Khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng, ai sẽ chịu trách nhiệm? Đề cập đến việc này, nhiều chuyên gia pháp lý khẳng định, người có tiền sử bệnh tâm thần không đủ điều kiện để trở thành bảo vệ dân phố.

Trao đổi với PV Báo Công lý, luật sư Đặng Văn Sơn (Trưởng VPLS Đặng Sơn và cộng sự - Đoàn luật sư Hà Nội ) cho biết, Điều 7, Nghị định 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ ban hành về lực lượng bảo vệ dân phố đã quy định, người được ứng cử vào Ban bảo vệ dân phố phải do cư dân trên địa bàn bầu, sau đó Trưởng Công an phường chịu trách nhiệm xem xét, thẩm định và trình cho Chủ tịch UBND phường ra quyết định công nhận.

Ngoài ra, Thông tư liên tịch 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 1/3/2017, tại mục 4, phần V về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng bảo vệ dân phố, quy định rất chi tiết: “Không đưa vào lực lượng bảo vệ dân phố những người không đủ năng lực hành vi”.

Luật sư Sơn cho rằng, khi tuyển dụng lao động ở vị trí bảo vệ dân phố là người có tiền sử bệnh tâm thần thì cần thiết phải kiểm tra lại ngay hồ sơ tuyển dụng của Trưởng Công an phường và lãnh đạo phường cùng các cán bộ liên quan, từ đó để có căn cứ xem xét trách nhiệm của từng cá nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại