Ảnh minh hoạ.
Ăn uống sạch vẫn nhiễm giun
Chị L.T.Ng (35 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội) thời gian gần đây bị gầy sút cân nhanh chóng. Theo chị Ng, trong 3 tháng, chị sút tới 10kg, ăn uống không ngon miệng. Lo sợ mắc ung thư nên chị Ng đã đi khám chuyên khoa. Kết quả chụp chiếu của chị Ng không có hình ảnh bất thường. Bác sĩ nghi ngờ chị Ng nhiễm ký sinh trùng nên khuyên chị tới bệnh viện chuyên khoa khám.
Chị Ng tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám, kết quả cho thấy chị dương tính với giun lươn. Do nhiễm giun lươn nên chị bị suy kiệt, sút cân. Khi biết bị nhiễm giun lươn, chị Ng đã rất bất ngờ. Chị khẳng định không bao giờ ăn thức ăn sống, tái và luôn đảm bảo vệ sinh trong ăn uống.
GS Nguyễn Văn Đề, chuyên gia ký sinh trùng, cho biết việc không ăn đồ sống nhưng vẫn nhiễm giun lươn là rất bình thường. Lý do là nhiễm giun lươn là một bệnh ký sinh trùng đường ruột phổ biến tại nhiều vùng trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, giun lươn có thể lây qua da.
Trong quá trình khám bệnh, GS Đề từng gặp trường hợp nữ bệnh nhân 37 tuổi khẳng định không bao giờ ăn sống, nhất là rau sống nhưng vẫn bị nhiễm ký sinh trùng.
Bệnh nhân sống tại Hà Nội bị đau thượng vị âm ỉ trong một thời gian dài, sút cân và được người quen giới thiệu tới khám GS Đề. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với các loại giun thông thường như giun móc/mỏ. Ngoài ra, bệnh nhân còn dương tính với giun lươn ở ruột.
Nữ bệnh nhân chia sẻ bản thân không bao giờ ăn đồ sống, kể cả là các loại rau sống thông thường. Tuy nhiên, do công việc chuyên về chế biến thực phẩm nên nữ bệnh nhân thường xuyên phải tiếp xúc với thực phẩm tươi sống.
"Giun lươn có thể lây qua da, vì thế nếu rau có ấu trùng giun lươn, khi chế biến thực phẩm tươi sống không có đồ bảo hộ (găng tay) thì rất dễ bị lây nhiễm. Ngoài ra, giun lươn còn có ở trong đất, quá trình tiếp xúc đất không có bảo hộ thì chúng cũng có thể lây qua da. Đó là lý do vì sao có người ăn uống sạch, không bao giờ ăn rau sống nhưng vẫn nhiễm ký sinh trùng", GS Đề phân tích.
Trước đó, tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cũng đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán mắc giun lươn.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân tại Hà Nội. Trước ngày vào viện 7 tháng, bệnh nhân nôn nhiều, suy kiệt, sút cân, siêu âm có dịch ổ bụng, soi dạ dày có hình ảnh giun tròn ở niêm mạc dạ dày. Xét nghiệm phân có ấu trùng giun lươn.
Phòng ngừa nhiễm giun lươn
Theo GS Đề, giun lươn lây qua đường da, niêm mạc. Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun lươn. Bệnh giun lươn khó chẩn đoán vì biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, phong phú. Biểu hiện từ không triệu chứng trong nhiễm trùng cấp tính và mãn tính đến nặng và tử vong trong hội chứng tăng nhiễm (hyperinfection).
Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, giun lươn sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời.
Ấu trùng giun lươn xâm nhập cơ thể bằng cách chui qua da, sau đó theo đường tĩnh mạch về tim, qua phổi, tới khí quản. Sau đó, nó tới hầu rồi chuyển sang thực quản, xuống ruột để trở thành giun trưởng thành.
Giun trưởng thành ký sinh ở niêm mạc ruột, sau khi giao hợp sẽ đẻ trứng. Trứng nhanh chóng phát triển thành ấu trùng dạng tự do và bị đào thải ra ngoài.
Thời gian từ lúc ấu trùng xâm nhập qua da đến khi phát triển thành giun trưởng thành và đẻ trứng, trứng phát triển thành ấu trùng ra ngoại cảnh khoảng 2-4 tuần.
Để phòng bệnh giun lươn và ký sinh trùng, GS Đề khuyến cáo người dân nên ăn chín, uống sôi, quá trình lao động làm việc nên có đồ bảo hộ.
Ngoài ra, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ, trong đó có kiểm tra, làm xét nghiệm về ký sinh trùng để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Khi có những biểu hiện nghi ngờ nhiễm giun lươn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được xét nghiệm.