Tử vong sau khi truyền dịch ở phòng khám tư
Thông tin những ngày gần đây về vụ việc nữ công nhân bị ốm tử vong sau khi truyền đạm ở một cơ sở phòng khám tư thêm lần nữa báo động về tình trạng truyền dịch của người dân.
Và rất nhiều những ca tai biến đã xảy ra từ truyền dịch do không được xử lý sốc kịp thời, đặc biệt là truyền dịch tại gia đình hoặc ở các cơ sở không đủ điều kiện cơ sở vật chất và phương tiện cấp cứu khi tai biến xảy ra.
Trước đó, một bé 22 tháng tuổi cũng đã tử vong sau khi được truyền dịch. Khi con bị sốt, tiêu chảy, bệnh nhi N.G.B được bố mẹ đưa đến Phòng khám. Bệnh nhi B. được bác sĩ khám và truyền dịch. Tuy nhiên, sau khi truyền dịch không lâu, cháu có biểu hiện sốc. Sau đó, cháu bé có biểu hiện tím tái, cứng đơ và tử vong trên đường đi cấp cứu.
Cần bỏ thói quen cứ mệt mỏi là tự truyền dịch để cho khỏe. ảnh minh họa
Theo lời kể của bác sỹ Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), Khoa đã từng tiếp nhận trẻ bị phù phổi do truyền dịch quá nhiều. Khi thấy con sốt kéo dài, người nhà đưa đến một cơ sở y tế gần nhà để điều trị. Bệnh nhân được truyền nước biển 3 ngày liền, đến chai thứ tư thì trở nặng. May mắn, bé được cấp cứu kịp thời.
Truyền dịch hoa quả ở người khỏe càng nguy hiểm hơn
Theo BS Nguyễn Trung Cấp - khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), khi không rõ mình đang mắc bệnh lý ra sao mà chỉ là thấy cơ thể mệt mỏi, không khỏe mà tự truyền dịch là rất nguy hiểm. Không phải loại bệnh nào cũng được phép truyền dịch. Nhiều loại bệnh chống chỉ định với truyền dịch.
Dịch truyền có nhiều loại với các thành phần, hoạt chất và nồng độ khác nhau nhằm sử dụng cho từng trường hợp bệnh cụ thể. Việc truyền dịch cần phải căn cứ vào loại bệnh, tình trạng cấp cứu để có chỉ định phù hợp. Hơn thế là phải có sự theo dõi của bác sỹ chứ không tùy tiện làm tại nhà được.
Những ngày này nhiệt độ tăng cao và vào ngày hè nóng nực rất dễ sinh bệnh. Nhiều người khi thấy cơ thể mệt mỏi là muốn truyền dịch để lấy lại sức khỏe song cần thay đổi quan niệm này ngay. Bất cứ dịch truyền nào cũng có thể có các tai biến như nhiễm trùng, gây đau, phù nề, sốc…
Trong đó, sốc là hiện tượng rất hay gặp phải phần do cơ địa, phần do chất lượng thuốc, dụng cụ tiêm truyền không đảm bảo…
Nếu truyền dịch kéo dài cả số lượng dịch truyền và thời gian sẽ làm cơ thể rối loạn hấp thu chất dinh dưỡng hoặc bị biến chứng teo tế bào não. Vì vậy đừng nghĩ rằng chỉ với một chai nước mà có thể khỏe lại.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, việc tự truyền dịch hoa quả để bồi bổ sức khỏe là thói quen của một số người khỏe mạnh cũng cần thận trọng.
Người khỏe truyền hoa quả có thể sinh ra “lười ăn” vì dung mao ruột thoái hóa; phù tim, thận vì đột ngột đưa vào cơ thể lượng dinh dưỡng và lượng nước quá lớn. Trong nước hoa quả chứa các vitamin tổng hợp có thể cải thiện sức đề kháng, giúp ăn ngon nên chỉ dành cho những trường hợp yếu sức, mất cân bằng hoặc thiếu vitamin trầm trọng, ăn uống kém.
Những trường hợp cẩn thận khi truyền dịch
Theo khuyến cáo của các bác sỹ những bệnh nhân sau cần thận trọng khi truyền dịch:
- Trẻ bị sốt không được truyền muối, đường vì những chất này đi vào cơ thể sẽ làm tăng áp lực lên sọ, tăng phù não.
- Bệnh nhi viêm phổi không nên truyền dịch vì dịch truyền làm tăng gánh nặng cho phổi, tim. Bệnh nhi viêm não, viêm màng não truyền dịch phải theo chỉ định bác sỹ.
- Người bệnh lớn tuổi, thận yếu, bệnh nhân tim mạch hay có bệnh lý về não khi truyền dịch chứa chất điện giải.