2 năm sau, cũng chính Nguyễn Vinh là người lồng tiếng vai Đường Tam Tạng (diễn viên Giang Hoa đóng) trong phim Tây Du Ký do TVB phát hành 1996.
Phiên bản này không chỉ đưa tên tuổi của "Tôn Ngộ Không" Trương Vệ Kiện và Trần Hạo Dân đến gần hơn với khán giả truyền hình mà vai Đường Tăng của Giang Hoa cũng đem lại cho khán giả một cảm giác mới lạ với vẻ hào hoa, tinh tế và nhẫn nại nhất trong các Đường Tam Tạng.
Tất nhiên, sự thành công của Tây Du Ký 1996 ở Việt Nam không thể không kể đến phần lồng tiếng xuất sắc của Nguyễn Vinh và nhóm diễn viên lồng tiếng TVB năm đó.
Nguyễn Vinh lồng tiếng vai Quách Tĩnh phim "Anh hùng xạ điêu" 1994.
Trong giới viocebiz sau này vẫn "kháo" nhau rằng, Nguyễn Vinh là người lồng tiếng Đường Tăng xuất sắc nhất trong các bản lồng tiếng Việt cho tới thời điểm 2017.
Đặc biệt, Nguyễn Vinh còn ghi dấu trong một bộ phim hết sức nổi tiếng: "Bản lĩnh Kỷ Hiểu Lam" ở cả 4 phần. Nguyễn Vinh là người lồng tiếng cực ăn ý với Bùi Huy Hồ khiến vai diễn của Trương Quốc Lập và Vương Cương hay hơn nhờ chất giọng đầy cảm xúc.
Thậm chí, nhiều người xem phim còn nhầm tưởng rằng, "Kỷ Hiểu Lam" Trương Quốc Lập và "Hòa Thân" Vương Cương biết... nói tiếng Việt.
Sau này, cũng có nhiều diễn viên lồng tiếng thử "chơi" hai vai này nhưng chưa có ai vượt qua được cái bóng của Nguyễn Vinh và Bùi Huy Hồ.
Gần 30 năm làm nghề, Nguyễn Vinh có những diễn viên "của riêng mình". Hễ phim nào phát hành ở Việt Nam có Trương Trí Lâm, Lâm Văn Long, Ngụy Tuấn Kiệt... là phải gọi Nguyễn Vinh lồng tiếng.
Vì chỉ có Nguyễn Vinh mới khiến vai diễn của họ "sống" thật nhất và chạm được tới trái tim người xem bởi chất giọng trầm ấm đầy cảm xúc của anh.
Đó là "sơ lược" bảng thành tích trong nghề lồng tiếng của Nguyễn Vinh.
Có thể khán giả không nhiều người biết Nguyễn Vinh nhưng anh thực sự là anh ngôi sao trong giới voicebiz, là thần tượng của rất nhiều thế hệ diễn viên lồng tiếng trẻ hiện nay cả về tài năng và nhân cách sống...
Nguyễn Vinh lồng tiếng Kỷ Hiểu Lam trong phim "Bản lĩnh Kỷ Hiểu Lam"
Xuất thân là diễn viên cải lương
Nguyễn Vinh từng là bạn học cùng khóa với nghệ sĩ ưu tú Thoại Mỹ và Kim Tử Long ở lớp học đờn ca tài tử do thầy Út Trong dạy năm 1979-1980.
Học được một năm, Thoại Mỹ và Kim Tử Long thi đậu vào trường Trần Hữu Trang còn Nguyễn Vinh vẫn theo thầy Út Trong học tiếp. Để rồi vài năm sau đó, anh cùng với 4 người bạn khác thi vào đoàn tuồng cổ Minh Tơ.
Điều ấn tượng nhất là vào đúng ngày thi, anh bị khan tiếng. Chưa kể, micro lại được căng trên dây và chạy qua chạy lại. Anh cố hết hơi để hát hai câu trong "Nửa đời hương phấn" - một tuồng cải lương xã hội rất nổi tiếng của nghệ sĩ Thanh Nga thời bấy giờ.
Ấy vậy mà anh lại là người duy nhất được nhận vào đoàn trong 5 người đi thi nhờ chất giọng ấm áp đặc biệt. Anh thật thà kể: "5 đứa thi mà có mỗi mình được chấm, nghĩ buồn quá nên tôi không về đoàn nữa".
Cũng vì điều này mà anh bị thầy Út Trong giận một năm trời, không thèm nói với anh câu nào. Thầy chỉ bảo "Đoàn nhận mày, mày còn chê trong khi người ta mong cũng không được".
Nếu vai diễn Quách Tĩnh mang lại thành công và danh tiếng cho Trương Trí Lâm thì đây cũng là nhân vật giúp tên tuổi của Nguyễn Vinh đến với công chúng yêu phim chưởng ở Việt Nam.
Sau này, anh thi vào khoa cải lương trường Sân khấu Nghệ thuật 2. Anh được nghệ sĩ ưu tú, võ sư Thu Vân vô cùng yêu quý và "đỡ đầu".
Tuy nhiên, con đường đến với nghệ thuật của Nguyễn Vinh cũng ba chìm bảy nổi. Đoàn anh ưng thì cứ tới ngày thử giọng, anh lại bị khan tiếng. Đoàn nhận anh thì anh lại... không ưng để ở.
Sau những lận đận ấy, Nguyễn Vinh quyết định về trường sân khấu phụ nghệ sĩ, võ sư Thu Vân dạy vũ đạo. Một thời gian, nghệ sĩ Thu Vân được đài TVB "chọn mặt gởi vàng" trong vai trò biên tập bản dịch. Vậy là bà giới thiệu cho Nguyễn Vinh đi "thử giọng".
Kể từ đây, Nguyễn Vinh bén duyên nghề lồng tiếng phim để rồi 30 năm sau, nó trở thành nghề và nghiệp của anh.
Không có chất giọng làm vai ác nhưng vai hiền là số 1
Anh em đồng nghiệp làm với Nguyễn Vinh từ thời TVB 1990 nói rằng, những vai hiền và mùi mẫn thì Nguyễn Vinh là số 1.
Còn anh chỉ cười bảo mình quen làm những vai có tính cách hiền lành. "Giọng tôi quen luyến láy chút, người trong nghề hay gọi vui là giọng bolero, nói giọng rap không được".
Chia sẻ về lý do giúp thể hiện thành công vai Đường Tăng trong Tây Du Ký, Nguyễn Vinh nói: "Có lẽ sự điềm đạm của nhân vật Đường Tam Tạng phù hợp với tâm lý của tôi. Ngoài đời, tôi cũng đi chùa nhiều, tính tình điềm đạm và hướng Phật".
Mặc dù được rất nhiều người khen nhưng Nguyễn Vinh bảo khi nghe lại các vai đã làm, vai nào anh cũng thấy mình có nhược điểm. Anh là người rất cầu toàn và luôn khó với chính bản thân.
Ngay cả vai diễn anh ưng ý nhất trong sự nghiệp là Quách Tĩnh của "Anh hùng xạ điêu" 1994 cũng khiến anh ngạc nhiên nhiều hơn là hài lòng.
Nguyễn Vinh cũng được xem là người lồng tiếng Kỷ Hiểu Lam hay nhất mọi phiên bản lồng tiếng.
Anh nói: "Đi hát cải lương, giọng của tôi được đánh giá là phù hợp với kép lão chứ không phải kép trẻ. Thế nhưng khi qua lồng tiếng, giọng tôi lại được giao kép đẹp. Thời điểm làm vai Quách Tĩnh, giọng tôi đang ở độ chín, trầm, ấm, vang và khá chững chạc. Có lẽ vì thế mà tôi ưng vai này nhất".
Nguyễn Vinh cũng cho biết, anh từng thử làm vai ác nhưng không đạt. Anh nói "Vai ác cần nói giọng dữ dằn mà giọng tôi không cứng như người khác. Nếu bung theo vai ác thì giọng sẽ bị tổn thương, khan tiếng. Tất nhiên, thỉnh thoảng tôi cũng làm vai ác, chia lửa với anh em thôi chứ bản thân biết là mình làm vai ác không hay, không phù hợp".
Nếu có vai ác nào khiến anh tự tin làm thì đó là vai ngụy quân tử. Lý do là vì kiểu vai ngụy quân tử không cần nhiều đến việc "lên gân" cho giọng. Người trong nghề này sợ nhất là vừa phải giả giọng lại vừa phải la hét cho thật dữ dằn để thể hiện tính cách nhân vật.
Nhờ giác ngộ đạo Phật nên không tranh giành vai diễn
Hồi nhỏ, Nguyễn Vinh cũng theo truyền thống gia đình đi lễ Nhà thờ mỗi cuối tuần nhưng khi lớn, thấy quan điểm của nhà Phật phù hợp với mình về ăn chay, thuyết luân hồi, nhân quả nên anh tin theo rồi trở thành Phật tử.
Cũng chính đạo Phật đã làm thay đổi con người và cuộc sống của Nguyễn Vinh, đặc biệt là trong khoảng hơn 10 năm gần đây.
Nguyễn Vinh tâm sự, hồi trẻ anh cũng có lúc háo thắng, cũng muốn nổi hơn người này người kia nhưng cuộc sống vốn dĩ vô thường, không ai biết trước điều gì có thể xảy ra. Nhất là với nghề lồng tiếng, sức khỏe lúc này lúc khác, giọng lúc hay lúc dở...
Diễn viên lồng tiếng Nguyễn Vinh trong phòng thu. (Xử lý ảnh: Mạnh Quân)
Chính những trải nghiệm đó đã khiến anh thay đổi không muốn tranh giành vai, đua chen với ai nữa. Anh chia sẻ: "Có những vai biết người ta thích, tôi sẵn sàng nhường. Họ có thể làm không được tuyệt đối nhưng cũng không dở hơn bao nhiêu thì cứ để họ làm, miễn họ vui là được.
Thậm chí, việc giới thiệu diễn viên lồng tiếng cũng vậy. Người trước người sau đã có những sự không hài lòng. Tôi bảo kệ, cứ để tôi ở hàng chót cũng không sao.
Hồi năm 1994 khi làm "Lửa tình rực cháy", tôi tương tư vai của Quách Phú Thành, lúc nào cũng mơ mình sẽ được làm vai này. Đến nỗi về nhà, tôi vắt tay lên trán nghĩ mình nói làm sao cho dễ thương như khẩu hình của chàng diễn viên đẹp trai đó.
Sau này làm xong vai nào tôi gần như quên luôn vai đó, không để vào đầu nữa. Lòng mình không còn vướng chấp vô phim.
Hoặc những diễn viên tôi đã quen làm như Trương Trí Lâm, Ngụy Tuấn Kiệt, Lâm Văn Long... nếu có người khác muốn làm tôi cũng vui vẻ nhường, không quan trọng.
Tôi không thích phải cạnh tranh, không thích phải so sánh. Dẫu mình làm có đạt hơn cũng không thích. Vai nào không có ai nhận thì tôi làm. Như thế, mọi người đều vui".
Ở thời điểm hiện tại, Nguyễn Vinh đã khá lớn tuổi. Anh an vui với cuộc sống độc thân, ai mời phim nào làm phim đó.
Và khi đã nhận vai, dù có phải sở trường hay không, Nguyễn Vinh cũng luôn nỗ lực hết mình để rồi khi rời phòng thu anh "để quên" luôn cả nhân vật mình vừa làm ở lại.
Chỉ còn một Nguyễn Vinh với nét mặt phúc hậu và nụ cười hiền từ không bon chen với đời bước ra, hòa vào cuộc sống một cách bình lặng như chính con người anh.