Làm ẩu
Mặc dù đã được nghe kể khá nhiều về việc làm phim ẩu hiện nay nhưng phóng viên vẫn không khỏi bất ngờ khi theo một đoàn phim truyền hình đi quay và tận mắt chứng kiến cách làm việc của họ.
Diễn viên trong đoàn không ai thuộc thoại. Trợ lý đạo diễn phải cầm kịch bản, ngồi gần diễn viên để... nhắc. Trợ lý đọc câu nào, diễn viên nhắc lại câu đó.
Lại có diễn viên không chịu để trợ lý nhắc dù anh cũng không nhớ câu thoại nào. Mỗi lần lên diễn là... anh đếm. Tùy vào câu thoại đó có bao nhiêu chữ, người diễn viên này sẽ đếm từng đó số. Cũng có khi đảo thoại, đảo chữ, đảo từ lung tung... vì phim không thu tiếng trực tiếp, hậu kỳ đã có diễn viên lồng tiếng!
Điều đáng buồn là những diễn viên này đều là người có tên tuổi và nổi tiếng. Nhưng có lẽ do quá quen với cách làm này nên cả ê-kíp đều tỏ ra rất bình thường!
Nghệ sĩ Diễm Kiều, cựu thành viên Đoàn kịch nói Kim Cương có lần kể,bà từng tham gia một bộ phim, cảnh đó bà đóng chung với một diễn viên trẻ.
Là người trong nghề, bà hiểu rằng các nhà sản xuất và đạo diễn thường ưu tiên chọn diễn viên chính là những cô chân dài dù khả năng diễn xuất kém, thậm chí không biết diễn... nên bà chủ động nâng đỡ.
Lần đó phải quay một cảnh bi. Sợ bạn diễn không biết nuôi cảm xúc, bà chủ động đẩy tâm lý ở phân đoạn này lên bằng chất giọng nghẹn ngào, rưng rưng nhưng cô gái ấy vẫn phải xin đạo diễn "châm" nước vào khóe mắt để tạo hiệu quả nước mắt chảy xuống.
Đương nhiên, cách làm phim này khiến chất lượng phim yếu kém và gặp không ít phản ứng từ chính những người trong nghề. Trong khi đó, khán giả càng lúc càng không tha thiết với phim truyền hình.
Anh Trương Minh Hoàng - trợ lý của đạo diễn Hoàng Mập tại phim trường.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Chia sẻ về cách làm việc "phổ thông" này của các đoàn phim, anh Trương Minh Hoàng (nghệ danh Hoàng Râu), trợ lý của đạo diễn – nhà sản xuất Hoàng Mập giãi bày: "Đa số các phim bây giờ đều là công ty tư nhân liên kết với đài sản xuất chứ không phải từ kinh phí nhà nước rót xuống nên bị hạn chế rất nhiều.
Sản xuất một bộ phim là bài toán khó mà nhà sản xuất phải cân đong đo đếm rất kỹ về chất lượng và tài chính. Vì nếu chất lượng tệ quá, nhà đài sẽ không phát. Đầu tư quá về chất lượng thì tài chính thua lỗ.
Với những phim được đầu tư nhiều kinh phí thì chắc chắn chất lượng sẽ tốt hơn. Chúng tôi ai cũng hiểu rằng diễn viên thuộc thoại sẽ đầy tâm lý, khi diễn sẽ hay hơn nhưng điều đó cũng có nghĩa là mất thời gian và tốn kém tiền bạc. Với phim ít kinh phí thì đoàn buộc phải chấp nhận cách làm như thế.
Chẳng hạn, tiến độ phim dự kiến là 2 tháng quay 30 tập, tương đương hai ngày phải hoàn thành một tập phim. Nếu cứ quay xong một cảnh, diễn viên lại vào ôm kịch bản học thoại, bàn cách diễn cho ăn ý với nhau thì sẽ bị trễ tiến độ.
Ví dụ theo lịch, một ngày phải quay 20 phân đoạn nhưng chỉ làm được 10 tới 12 phân đoạn đã hết thời gian. Chi phí trung bình một ngày đi quay cho đoàn khoảng 30 triệu đồng bao gồm xăng xe, ăn uống... 10 ngày tương đương với 300 triệu.
Chỉ cần trễ tiến độ một tháng, nhà sản xuất đã bị đội phí lên 1 tỷ đồng. Trong khi đó, mỗi tập phim họ chỉ lời từ 5 đến 10 triệu".
Theo chia sẻ của anh Hoàng râu, diễn viên nào cũng được xem trước kịch bản để nắm nội dung và tâm lý nhân vật nhưng hầu hết đều không thuộc thoại. Do đó, trợ lý nhắc thoại là để đảm bảo tiến độ công việc thuận lợi.
Dù vậy, nhà sản xuất và đạo diễn cũng không thể trách họ được, bởi cát xê trả thấp quá, họ phải dành thời gian cho những show khác để đảm bảo cuộc sống.
Tạm kết
Khán giả không cần biết ai chịu trách nhiệm và ai có lỗi. Điều họ cần duy nhất là một bộ phim... xem được cả về mặt nội dung và diễn xuất. Khi phim không đáp ứng được điều đó, đương nhiên họ có quyền... mở kênh khác có những chương trình thú vị hơn. Nên chăng, đã đến lúc người làm nghề cần nghiêm túc nhìn lại mình để nghệ thuật được tròn trịa hơn!