Video từ hiện trường vụ giẫm đạp cho thấy không chỉ các nhân viên cứu hộ mà cả dân thường cũng đã được huy động để hô hấp nhân tạo cho các nạn nhân trên đường phố.
Video toàn cảnh thảm kịch giẫm đạp ở Itaewon, trong đó có cảnh các nạn nhân được hô hấp nhân tạo trên đường phố. Nguồn: Reuters
Bài đăng của những người tham gia sơ cứu nạn nhân đã lan truyền rộng rãi trên Internet, khiến nhiều người bắt đầu hiểu được tầm quan trọng của quy trình cấp cứu.
"Nếu có nhiều người biết cách hô hấp nhân tạo tại hiện trường, số người chết sẽ giảm. Sau tai nạn, tôi quyết định học hô hấp nhân tạo", một nhân viên văn phòng 32 tuổi, họ Bae, cho biết.
Một nhân viên văn phòng khác, họ Lee, cũng có kế hoạch học kỹ năng này. "Tôi nhận thức được rằng hô hấp nhân tạo là quan trọng, nhưng chưa có cơ hội học. Nếu tôi có mặt tại hiện trường và biết cách thực hiện hô hấp nhân tạo, tôi đã giúp được nhiều người.”
Các nhân viên cứu hỏa học CPR ở Ansan (gần Seoul, Hàn Quốc) hôm 1/11 sau vụ giẫm đạp ở Itaewon. Ảnh: Yonhap
Các đơn vị tổ chức khóa học hô hấp nhân tạo và những kỹ năng sơ cứu khác đã nhận thấy nhu cầu của người dân tăng mạnh sau sự cố.
Một quan chức của Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc cho biết: “Nhu cầu tham gia các khóa học sơ cứu đã tăng hơn gấp đôi tại trụ sở chính và văn phòng chi nhánh của chúng tôi ở khu vực Seoul.”
Một quan chức của Hiệp hội Hồi sức tim phổi Hàn Quốc tiết lộ số lượt truy cập vào trang web của họ tăng gấp 4 lần sau vụ việc. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đào tạo CPR trong các trường học và cho công chúng.
"Việc thực hiện hô hấp nhân tạo ngay lập tức sau khi nạn nhân bị ngừng tim có thể tăng gấp ba lần cơ hội sống sót", quan chức này cho biết.
Vụ giẫm đạp tối 29/10 ở khu phố đêm Itaewon (Seoul, Hàn Quốc) đã khiến 156 người thiệt mạng và 151 người khác bị thương, bao gồm 29 người nguy kịch và 122 người bị thương nhẹ.
Trong số những người thiệt mạng, có 101 người là nữ. Số nạn nhân ở độ tuổi 20 là 104 người, ngoài ra còn có 31 nạn nhân ở độ tuổi 30.
Theo Yonhap