Người dân “vấp ngã” khi Bảo hiểm và Bộ Y tế không “đều bước”

Hiền Anh |

Mối quan hệ 3 bên cùng đồng hành trong khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế gồm: Bảo hiểm, bệnh viện và người bệnh. Một khi bệnh viện và Bảo hiểm không tìm được tiếng nói chung, quyền lợi của người dân sẽ không được đảm bảo.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cho rằng bảo toàn quỹ bảo hiểm không phải là mục tiêu cuối cùng, mục tiêu cuối cùng là sử dụng quỹ bảo hiểm như thế nào để bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Chính vì vậy, tiền của nhà nước, tiền đóng góp của nhân dân đều phải để phục vụ sức khỏe của nhân dân và phải quản lý sao cho có hiệu quả. Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, nếu các bên liên quan thống nhất được mục tiêu này và cùng đồng hành, chắc chắn sẽ làm được mục tiêu cuối cùng, thay vì chỉ đặt vấn đề siết chi.

Trong quản lý quỹ bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội muốn quản lý tốt, Bộ Y tế cũng muốn quản lý tốt, các cơ sở khám chữa bệnh thực ra cũng muốn quản lý tốt. Nhưng hiện nay, chúng ta đang trong quá trình vận động để tính đủ chi phí và tạo cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là các cơ sở y tế.

“Tuy nhiên, trong quá trình đồng hành có những bước đi không đồng bộ đã dẫn đến việc có thể tính thiếu”, ông Đỗ Văn Sinh nói.

“Ví dụ anh làm Giám đốc bệnh viện thì anh cũng phải tìm mọi cách để “quân” của anh có lương, dẫn đến việc thời gian qua các bệnh viện đã đưa vào một số chi phí, đặc biệt là chi phí giường bệnh đã tăng khủng khiếp so với năm 2016”.

Ông Sinh đưa ra con số thống kê có những tỉnh mức chi phí giường bệnh vượt gấp hai lần “công suất thiết kế”. Nghĩa là 1 bệnh viện cơ cấu 500 giường, nhưng thống kê ra có đến cả nghìn giường bệnh. Khi chi phí giường bệnh tăng lên sẽ kéo theo cơ cấu chi phí khác.

“Ở đây có những bước đi chưa hợp lý, chưa kể đến việc cơ sở y tế lạm dụng điều này để “kê” thêm giường, lẽ ra bệnh nhân không cần thiết phải nằm nội trú nhưng lại đưa người ta vào nội trú để lấy tiền giường, hoặc đáng nằm 5 ngày thì kéo dài thành 7 ngày”.

Người dân “vấp ngã” khi Bảo hiểm và Bộ Y tế không “đều bước” - Ảnh 1.

ĐBQH Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Biện pháp được ông Sinh muốn nói đến là tất cả các biện pháp phải đồng bộ với nhau, để làm sao sử dụng hiệu quả nhất đồng tiền của dân trong việc khám chữa bệnh, tránh việc chi sai nguyên tắc, thậm chí trục lợi bảo hiểm.

Đây là mối quan hệ 3 bên: người dân bỏ tiền ra mua bảo hiểm, cơ sở khám chữa bệnh cung cấp dịch vụ cho người dân, và cơ quan bảo hiểm thay mặt người dân để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Vấn đề là làm sao phải cân đối được 3 bên để có thể giải quyết được bài toán.

Để làm được điều đó không có cách nào khác là phải minh bạch, và muốn minh bạch buộc phải ứng dụng công nghệ thông tin. Chúng ta đã có 75 triệu dân tham gia BHYT, mỗi năm có 150 triệu lượt khám chữa bệnh, do đó phải ứng dụng CNTT ngay từ khâu bắt đầu khám chữa bệnh để kiểm soát chặt chẽ.

Với CNTT, hệ thống sẽ lưu đầy đủ thông tin người bệnh, mỗi người sẽ có một hồ sơ bệnh án điện tử, chỉ cần tra cứu thông tin là biết được ngay bệnh nhân khám chữa bệnh khi nào, sử dụng những loại thuốc nào.

Nhưng muốn làm được việc đó cần có sự kết hợp hài hòa giữa Bảo hiểm Xã hội và cơ sở khám chữa bệnh. Nếu không thông tin sẽ không minh bạch, là mảnh đất màu mỡ để các bên trục lợi.

“Nói tóm lại hai bên phải chia sẻ thông tin cho nhau, tôi biết hiện nay Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang làm rất tốt hệ thống CNTT, họ đã có hết các cổng tiếp nhận.

Người dân “vấp ngã” khi Bảo hiểm và Bộ Y tế không “đều bước” - Ảnh 2.

Nhưng các cơ sở y tế lại không chuyển dữ liệu, dẫn đến việc Bảo hiểm Xã hội không có cách gì kiểm soát được. Với 150 triệu lượt khám chữa bệnh mỗi năm, nếu không có CNTT sẽ không thể nào kiểm soát được”, Đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.

Như vậy, việc quản lý bằng CNTT không hề khó, vấn đề là ngành Y tế có muốn làm hay không, nếu không làm sẽ không bao giờ có.

Nói cách khác, Bảo hiểm Xã hội cấp cho mỗi người 1 mã số khám chữa bệnh, khi người dân đến bệnh viện, bệnh viện cũng lập cho mỗi người một bệnh án điện tử, rồi cho liên thông với nhau, miễn là bảo mật thông tin cho người dân, đồng thời chuẩn hóa về quy trình và phác đồ điều trị.

“Người ta làm được hết nếu ứng dụng CNTT, chẳng qua là mình không làm. Tôi đã sang Nhật Bản tìm hiểu, họ có 120 triệu dân với tần suất khám chữa bệnh gấp 6 lần quy mô dân số, thế nhưng họ vẫn kiểm soát tốt chỉ với hệ thống CNTT.

Người ta minh bạch hóa, chuẩn hóa ngay từ quy trình chuẩn bị hồ sơ, phác đồ điều trị, thậm chí người ta còn có thể thanh toán theo ngày”, ông Sinh cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại