Người đàn ông không nói chuyện được mỗi sáng vì hóc răng giả suốt hai năm

Phạm An |

Chiếc răng giả cắm sâu vào đường thở suốt hai năm nay, mỗi khi làm việc nặng hay khi nằm, anh D. lại khó thở.

Anh L.T.D. (39 tuổi, ở Q.8, TP.HCM) cho biết, tháng 10/2015 anh bị tai nạn giao thông bất tỉnh, anh được chuyển đến một bệnh viện gần đó. Kết quả xét nghiệm không thấy bất thường nên bác sĩ cho anh xuất viện.

Kể từ đó, anh liên tục khó thở khi nằm hay làm việc nặng. Đặc biệt, ban đêm anh không thể ngủ, nhiều lúc phải ngồi bật dậy mới thấy dễ chịu.

Người đàn ông không nói chuyện được mỗi sáng vì hóc răng giả suốt hai năm - Ảnh 1.

Nhiều người bị tai nạn giao thông thường nuốt phải răng giả

"Từ lúc bị tai nạn, tôi luôn có cảm giác khó thở, mệt mỏi, có khi sáng ngủ dậy tôi không thể nói chuyện được.

Thời gian gần đây, tôi hay bị đau ở cổ họng, khó thở ngày một nhiều nên đến bệnh viện để thăm khám. Không ngờ tôi bị hóc răng giả đường thở suốt hai năm mà không hay biết", anh D. kể.

Qua quá trình thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM nghi ngờ anh bị hóc dị vật đường thở nên đã tiến hành chụp CT, nội soi phần hạ thanh môn, khí quản,…

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Tú, Bệnh viện Tai Mũi Họng đã phát hiện phần hạ thanh môn của bệnh nhân bị cắm sâu bởi một miếng nhựa hình tam giác có kích thước 2x4 cm.

Người đàn ông không nói chuyện được mỗi sáng vì hóc răng giả suốt hai năm - Ảnh 2.

Anh D. chia sẻ về trường hợp của mình

Bác sĩ Tú cho biết: "Miếng nhựa này được ví như phần nướu răng, có chức năng giữ răng khi bệnh nhân đi làm răng giả.

Có thể lúc anh D. bị tai nạn bất tỉnh, phần răng giả này rơi ra, vô thức anh lại hít sâu khiến nó trôi tụt xuống hạ thanh môn, ghim sâu, rồi nằm yên ở đó.

Do cắm sâu nên chỉ khi anh D. gắng sức làm việc, phần miếng nhựa này mới bị chuyển động gây tổn thương ở những vùng gần đó.

Miếng nhựa đã gây viêm mô hạ thanh môn, các mô hạt viêm tụ lại choáng gần hết đường thở nên tần suất anh D. thở khó tăng lên. Thậm chí anh bị khàn tiếng hơn 1 năm mà không biết".

Theo bác sĩ Tú, sau khi được xử lý, anh D. đã có thể ăn uống, nói chuyện bình thường. Bệnh viện sẽ tiếp tục theo dõi, nếu không bị xuất huyết, tràn khí sẽ cho anh xuất viện trong vài ngày tới.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, Võ Quang Phúc, Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng cho biết: "Dị vật mà bệnh nhân hóc phải là miếngg nhựa không cản quang nên lúc anh bị tai nạn giao thông, bệnh viện cấp cứu khi chụp phim đã không phát hiện ra.

May mắn, miếng nhựa này không gây tràn khí, cũng không chảy máu nhiều trong thời gian nó "tại vị". Nếu không, anh D. đã không thể qua khỏi".

Người đàn ông không nói chuyện được mỗi sáng vì hóc răng giả suốt hai năm - Ảnh 3.

Cấu tạo dây thanh môn

Theo bác sĩ Phúc, tình trạng hóc răng giả rất hay gặp ở người lớn tuổi. Mỗi năm Bệnh viện Tai Mũi Họng tiếp nhận khoảng 20-30 trường hợp bệnh nhân nuốt răng giả trong khi ăn, khi nói chuyện.

Tuy nhiên, hóc răng giả đường thở như anh D. rất hiếm gặp.

"Nướu răng ở người lớn tuổi thường bị teo nhỏ lại, sau khi làm răng giả cho người già một thời gian, người bệnh cần kiểm tra lại để đảm bảo những chiếc răng này không bị rơi ra, những chiếc răng có mốc bằng kim loại lại càng nguy hiểm.

Khi có nhu cầu làm răng giả, người dân nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa để được tư vấn rồi hãy thực hiện sẽ đảm bảo hơn về sức khỏe của mình, cũng như nắm được những khả năng bị tai nạn để được giải quyết nhanh chóng", bác sĩ Phúc khuyến cáo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại