Sáng 4/12, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã tiếp nhận một nam bệnh nhân bị thanh sắt đâm xuyên từ vùng bẹn tới tận phía sau mông phải.
Bệnh nhân là anh N.T.V (34 tuổi, trú tại Thường Tín, Hà Nội) bị ngã vào thanh sắt ở đầu cọc bê tông tại công trường xây dựng từ đêm, nhưng do trong đêm không ai phát hiện nên nam bệnh nhân phải nằm im tại đó đến sáng hôm sau mới được người đi đường đưa đi cấp cứu.
TS. BS Trần Trung Kiên - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết: "Do tiên lượng được các tổn thương có thể xảy ra khi di chuyển, thay đổi tư thế, ê-kíp đã sắp xếp để từng chuyên khoa thực hiện thao tác. Nhờ vậy đã không gây ra thêm bất cứ tổn thương nào khi rút bỏ thanh sắt".
Với các trường hợp bệnh nhân bị tổn thương như vậy, điều quan trọng là phải sơ cứu đúng cách, cố định tốt dị vật trong quá trình di chuyển bệnh nhân để các bác sĩ có thể xử trí tốt, tuyệt đối không được tự ý rút bỏ các dị vật vì có thể gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.
Bác sĩ Kiên cùng ekip đang phẫu thuật cho bệnh nhân (ảnh BSCC).
Bác sĩ Kiên cho hay: "Với trường hợp gặp tai nạn như này, về nguyên tắc bệnh nhân cần được cấp cứu càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, bệnh nhân V gặp tai nạn vào đêm, không có ai phát hiện ra nên bệnh nhân nằm yên đợi người tới cứu là điều đáng khen. Vì nếu như bệnh nhân cố đứng dậy vận động sẽ rất nguy hiểm".
Với bệnh nhân V, rất may mắn trong quá trình ngã bệnh nhân không bị mất máu nhiều. Ngoài ra, người dân phát hiện ra tình trạng của bệnh nhân V cũng đã sơ cứu đúng cách nên giúp quá trình điều trị của bác sĩ cũng thuận lợi hơn.
"Khi cứu bệnh nhân, mọi người đã cắt rời thanh sắt, không thay đổi tư thế bệnh nhân. Quá trình bê bệnh nhân lên cũng huy động nhiều người, kết hợp bê phần thân, phần đầu và một người giữ để cố định thanh sắt. Đây là điểm đáng khen thứ hai cho công tác sơ cứu đúng, nhờ vậy mà quá trình mổ diễn ra thuận lợi, hạn chế gây ra tổn thương nặng nề cho bệnh nhân", bác sĩ Kiên cho biết.
Trước đó, bệnh nhân V được đưa tới viện trong tình trạng sốc, đau nhiều do bị dị vật (thanh sắt dài khoảng 40cm) đâm xuyên thấu qua vùng bẹn xuyên qua bờ trên khớp háng và xuyên thủng ra sau mông bên phải.
Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được hồi sức chống sốc, kiểm soát huyết động ổn định và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng cần thiết.
Toàn bộ e-kíp trực ngoại đã tổ chức hội chẩn cấp cứu, đánh giá tình trạng, nhận thấy bệnh nhân có nguy cơ bị tổn thương thần kinh mạch máu và nguy cơ mất chức năng của chi, nhiễm trùng nếu không can thiệp kịp thời nên các bác sĩ đã chỉ định mổ cấp cứu.
2 kíp phẫu thuật cho bệnh nhân đã được thực hiện song song cùng 1 lúc.
Kíp thứ nhất bộc lộ và xử lý tổn thương mạch máu ở vùng bẹn và đùi.
Kíp thứ 2 bộc lộ bảo vệ dây thần kinh và bao khớp phía sau.
Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, thanh sắt đã được rút ra 1 cách an toàn, các tổ chức đụng dập được cắt lọc sạch sẽ, các mảnh rỉ sắt và các dị vật được lấy bỏ toàn bộ. Dự kiến khoảng 2 tuần nữa bệnh nhân có thể xuất viện.
Qua trường hợp bệnh nhân V, bác sĩ khuyến cáo các công trường xây dựng cần có các biển báo, rào chắn cẩn thận để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Người làm việc tại các công trường xây dựng phải tuân thủ đúng nguyên tắc an toàn lao động để tránh xảy ra tai nạn.