Anh Tạ Văn H., 34 tuổi là người dân tộc Mường (Cẩm Khê - Phú Thọ). Sau khi uống rượu, anh có đi ra đồng khoảng 2 giờ thì thấy tê đầu lưỡi, tức ngực, khó thở tăng dần.
Gia đình đã đưa anh vào Bệnh viện huyện Cẩm Khê trong tình trạng hôn mê , suy hô hấp, được các bác sĩ nơi đây đặt nội khí quản rồi chuyển xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Tại Khoa Hồi Sức tích cực - Chống độc, qua thăm khám, các bác sĩ đánh giá người bệnh hôn mê sâu, thở bằng bóp bóng qua nội khí quản, liệt tứ chi, sụp mi, đồng tử hai bên giãn tối đa, mất hoàn toàn phản xạ với ánh sáng.
Đứng trước tình trạng người bệnh đột ngột hôn mê sâu, các bác sĩ đưa ra các tình huống có thể gặp như: đột quỵ não; ngộ độc Ethanol; ngộ độc Methanol; nhiễm trùng thần kinh; hạ Natri máu; rắn cạp nia cắn.
Với tình trạng nặng của người bệnh khi nhập viện, nếu không phải nguyên nhân do rắn cạp nia cắn thì tiên lượng tử vong rất cao.
Người bệnh được chỉ định làm các thăm dò cận lâm sàng cần thiết phục vụ chẩn đoán.
Kết quả cận lâm sàng cho thấy: chụp cộng hưởng từ sọ não không thấy tổn thương nhu mô não và màng não; xét nghiệm dịch não các chỉ số trong giới hạn bình thường; không phải ngộ độc rượu.
Sau khi có kết quả cận lâm sàng, loại trừ các bệnh lý do tổn thương thực thể thần kinh, tình trạng hôn mê sâu, mất hết các phản xạ, người bệnh được chẩn đoán xác định là rắn cạp nia cắn.
Các bác sĩ cho bệnh nhân điều trị bằng thở máy, dùng kháng sinh chống bội nhiễm, kiểm soát dịch và điện giải, dinh dưỡng, chăm sóc toàn diện.
Theo các bác sĩ, rắn độc, đặc biệt là rắn cạp nia cắn, là một hiểm họa dễ cướp đi sinh mạng nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Người bệnh có thể tử vong nhanh do tình trạng liệt cơ hô hấp, hoặc để lại di chứng liệt và hôn mê vĩnh viễn do thiếu oxy não kéo dài.