Người bệnh đái tháo đường phải dùng thuốc trị bệnh mắc kèm: Những điều cần tuân thủ

DS. Lê Thị Quỳnh |

Ở người bệnh đái tháo đường thường đôi khi phải dùng tới nhiều thuốc để trị bệnh, gồm: thuốc điều trị đái tháo đường và điều trị các bệnh mắc kèm khác…

Do đó, vấn đề an toàn trong dùng thuốc đối với những người bệnh này cần đặc biệt quan tâm để đạt hiệu quả điều trị và hạn chế tác dụng phụ cũng như tương tác thuốc có thể xảy ra.

Khi dùng thuốc trị đái tháo đường

Các thuốc điều trị đái tháo đường hiện nay đều có độ an toàn cao và ít gây ra các tác dụng phụ, tuy nhiên, bệnh nhân cần luôn luôn lưu ý đến các tác dụng phụ đặc trưng của các nhóm thuốc, sử dụng thuốc đúng chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo điều trị hiệu quả và an toàn.

Insulin và các thuốc tăng tiết insulin như gliclazide, repaglinide thường đi kèm với nguy cơ hạ đường huyết. Bệnh nhân cần uống thuốc đúng chỉ định, không bỏ bữa, không uống bù liều khi quên thuốc.

Các dấu hiệu hạ đường huyết bao gồm tay chân bủn rủn, tim đập nhanh, vã mồ hôi, chóng mặt, đói, mắt mờ... Bệnh nhân nên luôn mang theo đường, mật ong, kẹo cứng, hoặc nước ngọt trong người để bổ sung đường ngay khi cần thiết.

Một nhóm thuốc mới trong điều trị đái tháo đường týp 2 là nhóm ức chế SGLT-2 với hoạt chất dapagliflozin (forxiga) giúp kiểm soát tốt đường huyết và đem lại lợi ích trên tim mạch. Tuy nhiên, đi kèm với nhóm thuốc này là hai nguy cơ cần được lưu ý: Nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu và nguy cơ nhiễm toan ceton.

Bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế SGLT-2 cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ vùng sinh dục - tiết niệu để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn. Các dấu hiệu cảnh báo về các dấu hiệu ca nhiễm toan ceton bao gồm: đau bụng, buồn nôn, nôn, chán ăn, khát nước, khó thở, mệt mỏi và buồn ngủ.

Nếu đang dùng thuốc ức chế SGLT-2 mà gặp các triệu chứng trên, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. Trong thời gian dùng thuốc, bệnh nhân không nên bỏ bữa, hay ăn quá ít tinh bột, luyện tập quá sức hay uống quá ít nước. Người bệnh cũng cần tránh uống nhiều rượu.

Cảnh giác với các thuốc làm ảnh hưởng tới đường huyết

Mối quan tâm lớn nhất đối với bệnh nhân đái tháo đường chính là tình trạng kiểm soát đường huyết. Vì vậy, việc lựa chọn các thuốc điều trị các bệnh khác sẽ cần được xem xét để không gây ra biến cố tăng hay giảm đường huyết. Một số nhóm thuốc đáng lưu ý có thể ảnh hưởng đến đường huyết của bệnh nhân là:

Nhóm thuốc chống viêm corticoid: Đây là nhóm thuốc được dùng rất rộng rãi hiện nay trong các bệnh liên quan đến viêm, dị ứng và miễn dịch.

Nhóm thuốc này có thể gây tăng đường huyết gián tiếp, làm giảm dung nạp glucid và gia tăng nguy cơ nhiễm toan ceton. Nếu buộc phải sử dụng nhóm thuốc này để điều trị, bệnh nhân cần được giám sát đường huyết chặt chẽ hơn và có thể cần điều chỉnh liều của các thuốc điều trị đái tháo đường để kiểm soát đường huyết đầy đủ.

Thuốc chống viêm không steroid NSAID: Là loại thuốc giảm đau, chống viêm thông dụng như ibuprofen, diclofenac, naproxen... Nhóm thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ trên tiêu hóa và tim mạch, nên được sử dụng thận trọng trên bệnh nhân đái tháo đường do làm tăng nguy cơ hạ đường huyết, và tăng nguy cơ xảy ra biến chứng tim mạch và thận.

Ngoài ra, các nhóm thuốc này còn gây ra tương tác với thuốc điều trị đái tháo đường nhóm sulfonylurea (gliclazide, glimepiride, glibenclamide...) dẫn đến nguy cơ hạ đường huyết.

Kháng sinh fluoroquinolone: Nhóm thuốc này bao gồm các thuốc như ofloxacin, ciprofloxacin, levofloxacin... có thể gây rối loạn đường huyết và insulin. Thuốc có thể gây tăng đường huyết và gia tăng nguy cơ nhiễm toan ceton ở bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt là gatifloxacin mà hiện nay đã đình chỉ lưu hành trên thị trường Việt Nam.

Nhóm kháng sinh này cũng có thể gây ra hạ đường huyết. Do đó khi sử dụng, bệnh nhân cần được kiểm soát đường huyết chặt chẽ.

Nhóm thuốc tim mạch: Trong số các thuốc điều trị tim mạch thì nhóm thuốc lợi tiểu thiazide và thuốc chẹn beta giao cảm thường được dùng trong điều trị tăng huyết áp, có ảnh hưởng nhiều đến đường huyết của bệnh nhân.

Thuốc lợi tiểu thiazide có thể gây hạ đường huyết, trong khi thuốc chẹn beta giao cảm có thể gây ra cả tăng hoặc hạ đường huyết. Ngoài ra nhóm thuốc này còn che lấp các dấu hiệu hạ đường huyết của bệnh nhân.

Chú ý tới các thuốc không kê đơn: Nhóm thuốc chống sung huyết mũi đường uống (pseudoephedrine, phenylephrine) thường được phối hợp với paracetamol trong các chế phẩm điều trị cảm lạnh.

Các thuốc này có thể gây tác dụng bất lợi lên tim mạch, làm tăng huyết áp, thay đổi đường huyết và gây căng thẳng, khó ngủ, đặc biệt ở người cao tuổi. Ngoài ra, chúng còn tương tác với một số thuốc điều trị đái tháo đường. Do vậy cần thận trọng và chỉ nên dùng ngắn ngày để giảm triệu chứng nghẹt mũi ở người bệnh đái tháo đường.

Đối với các thuốc điều trị ho, người bệnh nên ưu tiên sử dụng các thuốc ho dạng viên hơn là dạng siro hay hỗn dịch, kẹo ngậm, vì các dạng này thường chứa một hàm lượng chất làm ngọt nhất định có thể làm tăng đường huyết của bệnh nhân.

Thực phẩm chức năng: Người bệnh nên tránh các loại thực phẩm chức năng chứa các thành phần sau do tương tác của chúng với các thuốc điều trị đái tháo đường, bao gồm: niacin (vitamin B3), thảo dược St.John’s Wort, yohimbe, ginko biloba, nhân sâm, dầu cá (fish oils), magie citrate và gừng.

Như vậy, đối với người bệnh đái tháo đường cần phải tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ trong dùng thuốc; không tự ý tăng hay giảm liều, cũng như không tự ý dùng thêm thuốc. Người bệnh cần kiểm soát tốt chế độ ăn tuy nhiên không đồng nghĩa với việc bỏ bữa hay ăn quá ít tinh bột.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại