Nghiên cứu chỉ ra rằng: Không nên làm việc quá 55 giờ/tuần nếu không muốn mắc bệnh tim

Linh Đan /CNBC |

Nghiên cứu quy mô lớn của giáo sư Mika Kivimaki (khoa Dịch tễ học, Đại học Lodon UCL, Anh), đăng tải trên Tạp chí Khoa học châu Âu tháng 7.2017 cho hay, làm việc trên 55 giờ/tuần (tương đương với 7 ngày làm việc liên tục, mỗi ngày 8 giờ) có nhiều hơn 40% nguy cơ mắc rung tâm nhĩ (một loại rối loạn nhịp tim, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng).

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, rung tâm nhĩ là một loại rối loạn nhịp tim, "có thể gây huyết khối (cục máu đông làm nghẽn tĩnh mạch), đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các vấn đề khác về tim".

Trong thời gian 10 năm theo dõi hơn 85.000 người trưởng thành (65% nữ, 35% nam tại Anh, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển), giáo sư Kivimaki và cộng sự đã ghi nhận 1.061 trường hợp mắc mới, tương đương 17,6/1.000 người, cao hơn mức trung bình 12,4/1.000 người.

Tỉ lệ này tăng lên dù đã loại trừ các yếu tố gây nhiễu như tuổi tác, giới tính, địa vị kinh tế-xã hội, cân nặng, mức độ vận động, sử dụng rượu, bia, thuốc lá.

Trước nghiên cứu, không ai mắc bệnh.

Trước đó, trong báo cáo đăng tải trên tạp chí y học danh tiếng Lancet năm 2015, vị giáo sư người Anh này chỉ ra, làm việc trên 55 giờ/tuần có nhiều hơn 33% nguy cơ đột quỵ và 13% nguy cơ mắc tim mạch vành so với người chỉ làm việc 35 - 40 giờ/tuần.

Theo giáo sư dịch tễ học người Anh, nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch tăng tỉ lệ thuận với thời gian làm việc.

Đối với nguy cơ đột quỵ, nhóm tác giả đã phân tích dữ liệu từ 17 nghiên cứu trên gần 530.000 người trong trung bình 7,2 năm.

Đối với bệnh tim mạch vành, họ đã thu thập kết quả từ 25 nghiên cứu với hơn 600.000 người ở châu Âu, Mỹ và Úc trong trung bình 8,5 năm.

Vì sao làm việc quá nhiều mỗi tuần lại liên quan tới các vấn đề về tim mạch vẫn còn là câu trả lời chưa thực sự sáng rõ, bởi họ chưa thể xác định chính xác nguyên nhân mang tính quyết định cũng như cơ chế tác động.

Giáo sư Mika Kivimaki nhận định, căng thẳng có khả năng là một nguyên nhân. Các nghiên cứu cơ bản về hệ thống dẫn truyền của tim cho thấy, hệ thống này nhạy cảm với các thử nghiệm căng thẳng tâm lý.

"Các cơ chế về mặt hành vi, như không vận động thể chất, cũng liên quan tới thời gian làm việc kéo dài và đột quỵ. Giả thuyết này được củng cố khi ngồi làm việc nhiều được chứng minh là làm tăng nguy cơ đột quỵ", giáo sư Kivimaki nói.

Có lý do để tin rằng có mối quan hệ nhân - quả đằng sau nguy cơ này, bởi đột tử sau thời gian làm việc kéo dài thường do đột quỵ, khi căng thẳng cứ kéo dài và lặp đi lặp lại.

Giảm giờ làm có phải là cách duy nhất?

Ông Kivimaki chia sẻ, ngoài việc giảm giờ làm thì hiện chưa rõ có cách nào khác để giảm nguy cơ mắc rung tâm nhĩ.

Đặc biệt, con số 40% nói trên thực sự là điều đáng lo ngại đối với "những người vốn đã có nguy cơ cao sẵn, do một vài yếu tố khác tác động như tuổi già, giới tính nam, bệnh tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol cao, thừa cân, hút thuốc, không vận động thể chất" hoặc gặp các vấn đề tim mạch khác.

"Đối với nhóm này, tránh làm việc nhiều giờ, tránh công việc nhiều căng thẳng sẽ là một lựa chọn khôn ngoan". Trước khi thay đổi công việc, hãy nghĩ tới việc thay đổi một số thói quen cố hữu khi ngồi làm việc.

Tiến sĩ Tim Chico tại khoa Nội Tim mạch (Đại học Sheffield) thì cho rằng, bởi các nghiên cứu chưa thể chỉ ra mối liên hệ trực tiếp rằng thời gian làm việc quá nhiều gây bệnh, nên thay vì vội vã tìm một công việc khác, hãy điều chỉnh thói quen sinh hoạt để tránh tiểu đường, cao huyết áp, béo phì, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

"Với nhiều người, giảm giờ làm là việc khó khăn hoặc không thể.

Hầu hết chúng ta có thể ngồi ít hơn, tăng thời gian vận động thể chất và cải thiện chế độ ăn khi làm việc, điều này có thể sẽ còn quan trọng hơn khi chúng ta ngày càng dành nhiều thời gian cho công việc.

Cũng nên cân nhắc thay đổi môi trường làm việc để tăng cường hoạt động tốt cho sức khỏe nhằm giảm nguy cơ đột quỵ, bất kể là làm việc bao lâu”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại