Nghiên cứu 300.000 người, phát hiện tác hại không ngờ của mất ngủ, thiếu ngủ

Trà My |

Nghiên cứu mới cho thấy mất ngủ, thiếu ngủ có những tác hại rõ rệt đến sức khỏe tim mạch.

Một nghiên cứu mới lần đầu tiên phát hiện tác hại của mất ngủ, thiếu ngủ đối với sức khỏe tim mạch, chuyên trang Medical News Today đưa tin.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Sydney ở Úc và Đại học Nam Đan Mạch ở Đan Mạch đã phân tích trải nghiệm ngủ và tiền sử bệnh tim mạch của 308.683 người trung niên. Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học BMC Medicine.

Nghiên cứu cho thấy rối loạn giấc ngủ có liên quan đến việc giảm đáng kể số năm tim mạch khỏe.

Các rối loạn giấc ngủ được phân tích trong nghiên cứu là mất ngủ và các rối loạn liên quan đến hô hấp, cũng như một loạt các vấn đề khác liên quan đến giấc ngủ, chẳng hạn như xung đột về lịch trình/thời gian ngủ, ngủ ngáy và buồn ngủ ban ngày.

Hai chứng rối loạn giấc ngủ liên quan đến hô hấp phổ biến nhất được xem xét trong nghiên cứu là chứng ngưng thở khi ngủ do trung ương và chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Nghiên cứu 300.000 người, phát hiện tác hại không ngờ của mất ngủ, thiếu ngủ - Ảnh 1.

Nghiên cứu cho thấy rối loạn giấc ngủ có liên quan đến việc giảm đáng kể số năm tim mạch khỏe.

Nghiên cứu cho thấy rối loạn giấc ngủ liên quan đến hô hấp có liên quan đến việc rút ngắn khoảng 7 năm tim mạch khỏe của một người.

Đối với phụ nữ, rối loạn giấc ngủ liên quan đến hô hấp có liên quan đến việc giảm 7,32 năm tim mạch khỏe. Con số này ở nam giới là 6,73 năm.

Ngoài ra, những người ngủ kém bị suy giảm sức khỏe tim mạch trung bình trong 2 năm.

Đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư Emmanuel Stamatakis, đến từ Đại học Sydney, nói với Medical News Today: "Giấc ngủ rất đa chiều và phức tạp. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy vấn đề này cần được giải quyết một cách tổng thể và không giới hạn chỉ ở thời lượng giấc ngủ".

Các tác giả của nghiên cứu hy vọng kết quả này khuyến khích các bác sĩ nói chung và bác sĩ tim mạch nói riêng thảo luận về giấc ngủ với bệnh nhân và giúp họ giải quyết các vấn đề có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch về lâu dài.

Tác hại khác của ngủ kém

Theo Web MD, rối loạn giấc ngủ và mất ngủ mãn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc:

- Bệnh tim

- Đau tim

- Suy tim

- Nhịp tim không đều

- Huyết áp cao

- Đột quỵ

- Bệnh tiểu đường

Nghiên cứu 300.000 người, phát hiện tác hại không ngờ của mất ngủ, thiếu ngủ - Ảnh 2.

Mệt mỏi, thiếu ngủ làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn vì thời gian phản ứng của một người chậm hơn và họ dễ mất tập trung hơn.

Ngoài những ảnh hưởng sức khỏe lâu dài, giấc ngủ kém có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày theo nhiều cách.

Tiến sĩ Jonathan Cedernaes, chuyên gia về giấc ngủ từ Đại học Uppsala, Thụy Điển, người không tham gia nghiên cứu, lưu ý: "Mệt mỏi, thiếu ngủ làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn vì thời gian phản ứng của một người chậm hơn và họ dễ mất tập trung hơn".

Ngoài ra, ngủ kém có thể làm suy giảm hoạt động thể chất hằng ngày của một người, làm suy giảm chức năng trao đổi chất và thúc đẩy chứng viêm, tiến sĩ Cedernaes nói thêm. Tâm trạng tồi tệ, cáu kỉnh và không thể tập trung đều là những dấu hiệu của việc ngủ không đủ giấc.

Tiến sĩ Cedernaes cho biết: "Thỉnh thoảng ai cũng có đôi lần mất ngủ, nhưng khi điều này trở thành mãn tính, nó có thể trở thành vấn đề đáng lo ngại - đó là lúc một người nên cân nhắc tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp từ các chuyên gia y tế".

Tiến sĩ Cedernaes nói thêm rằng ngủ kém cũng có liên quan đến sự điều hòa bất thường của hệ thống tim mạch, bao gồm cả tim và mạch máu, cũng như tăng tình trạng viêm, rối loạn điều hòa huyết áp và gián đoạn hệ thống thần kinh giao cảm.

Vấn đề với việc chấm điểm giấc ngủ

Các nhà khoa học trong nghiên cứu mới đã chấm điểm cho mỗi cá nhân tham gia nghiên cứu, xếp hạng họ là những người ngủ kém, ngủ trung bình hoặc ngủ khỏe mạnh. Các bệnh được chẩn đoán lâm sàng - mất ngủ, rối loạn giấc ngủ liên quan đến hô hấp và các rối loạn giấc ngủ khác - được xem xét riêng.

Tiến sĩ Cedernaes hoan nghênh việc sử dụng nhiều câu hỏi về giấc ngủ để ghi lại trải nghiệm của những người tham gia, vì nó có thể giúp nắm bắt được nhiều dạng gián đoạn giấc ngủ hơn.

Tuy nhiên, rất khó để thiết kế một bảng câu hỏi hoàn hảo về giấc ngủ, ông nói. "Ví dụ, các câu hỏi không phân biệt giấc ngủ trưa với giấc ngủ ban đêm, cũng như giấc ngủ ngày thường với giấc ngủ cuối tuần", tiến sĩ nhận xét.

Tiến sĩ Cedernaes phân tích: Nếu các nhà khoa học chia các câu hỏi hiện tại thành các câu hỏi phụ cụ thể hơn thì họ có thể tạo ra các kết quả khác nhau.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của giấc ngủ

Tiến sĩ Cedernaes cho biết mặc dù đây là nghiên cứu đầu tiên xem xét cụ thể ngủ kém có thể làm giảm số năm tim mạch khỏe mạnh, nhưng kết quả này được hỗ trợ bởi các nghiên cứu trước đó.

May mắn thay, người ta cũng chứng minh rằng "kéo dài giấc ngủ - hoặc thậm chí chợp mắt - có thể cải thiện các thông số trên", nhà nghiên cứu lưu ý.

Đối với những người có vấn đề về giấc ngủ dưới bất kỳ hình thức nào, nghiên cứu nhấn mạnh rằng họ nên gặp bác sĩ để xác định các giải pháp, đặc biệt nếu họ đang có vấn đề tim mạch.

Bí quyết để có được giấc ngủ ngon

Mới đây (cuối tháng 2), một nghiên cứu từ Mỹ cho thấy việc tuân thủ 5 thói quen ngủ lành mạnh có thể giúp tăng thêm gần 5 năm tuổi thọ cho nam giới và 2,4 năm cho nữ giới, CNN đưa tin.

Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Frank Qian, bác sĩ chuyên về nội khoa tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess ở Boston, Mỹ, cho biết: "Nếu mọi người có tất cả các thói quen ngủ lý tưởng này, họ sẽ có nhiều khả năng sống lâu hơn".

Dưới đây là 5 thói quen ngủ lý tưởng trong nghiên cứu:

1. Ngủ từ bảy đến tám tiếng mỗi đêm

2. Không thức dậy trong đêm hơn hai lần một tuần

3. Không bị khó đi vào giấc ngủ hơn hai lần một tuần

4. Cảm thấy được nghỉ ngơi đầy đủ sau khi thức dậy ít nhất năm ngày một tuần

5. Không sử dụng bất kỳ loại thuốc ngủ nào

Nếu bạn có dưới 5 thói quen ngủ lành mạnh này, đừng quá lo lắng. Tin tốt là bạn có thể dễ dàng rèn luyện trí não của mình để ngủ ngon hơn bằng cách tuân theo các quy tắc "vệ sinh giấc ngủ". Điều quan trọng là phải đi ngủ vào cùng một thời điểm vào hầu hết các đêm và thức dậy vào cùng một thời điểm vào hầu hết các buổi sáng — ngay cả vào cuối tuần và ngày lễ.

Ngoài ra, hãy đảm bảo bạn có môi trường ngủ tối ưu — mát mẻ và càng tối càng tốt — đồng thời chặn tiếng ồn hoặc thử sử dụng máy tạo âm thanh. Tránh uống rượu trước khi đi ngủ. Rượu có thể khiến bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn, nhưng khi gan của bạn kết thúc quá trình chuyển hóa rượu vào lúc 3 giờ sáng, cơ thể bạn sẽ thức dậy, các chuyên gia cảnh báo.

Đặc biệt, hãy thiết lập chu trình ngủ cho riêng mình, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử hoặc những thứ gây xao nhãng ít nhất một giờ trước khi đi ngủ. Hãy thử thiền, yoga, thái cực quyền, tắm nước ấm - bất cứ điều gì giúp bạn thư giãn.

(Nguồn: Medical News Today, Web MD)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại