Khi ấy, Berberin (loại thuốc từ 100% cây cỏ tự nhiên) được coi là "tiên dược" cứu sống sinh mạng nhiều người. Ngày đó, hàng trăm loại thuốc Tây hiện đại cùng loại ra đời, nhưng berberin vẫn được coi là loại thuốc chữa bệnh lỵ công hiệu nhất, luôn có mặt sẵn trong tủ thuốc của các gia đình Việt Nam.
Tiến sĩ kể chuyện cho ra đời "tiên dược" Berberin
TS.DS Phan Quốc Kinh chính là cha đẻ của Berberin, mặc dù đã ở cái tuổi thượng thọ, ngoài 80 nhưng ông vẫn rất minh mẫn tuy vóc dáng có phần hanh hao. Hễ cứ nhắc đến dược cứu người là ông lại chăm chú lắng nghe và cẩn thận chỉ bảo, hướng dẫn.
Có mặt tại căn phòng đầy ắp những cuốn sổ sách về y dược, về thơ ca, sách báo chúng tôi mới thấy được rằng, ông không chỉ là một bậc thầy trong lĩnh vực nghiên cứu và cho ra đời hàng loạt loại thuốc chữa bệnh, mà còn là người thầy giỏi trong mảng chữ nghĩa văn chương.
Loại "Tiên dược" đồng hành với người bệnh hàng chục năm nay
DS Phan Quốc Kinh giành hơn một nửa thế kỷ làm công tác nghiên cứu khoa học, từ đó bào chế ra thuốc Berberin dập tắt dịch lỵ. Ông cũng chính là người tiên phong phá vỡ bức tường ngăn cách giữa y học hiện đại với dược học cổ truyền. Tạo nên sự dung hòa nhuần nhuyễn cho nền y dược của những năm về sau.
Nhắc về những ký ức cho ra đời loại "tiên dược" Berberin ông cho biết: "Những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20, không quân Mỹ đã gia tăng cao độ các đợt ném bom khủng khiếp trên khắp mọi miền của Miền Bắc. Ngoài dịch hoạ thiên tai (lũ lớn năm 1971), người dân Việt Nam còn phải gánh chịu hậu quả của dịch lỵ nguy hiểm".
Năm 1972 dịch lỵ lan nhanh ở các tỉnh đồng bằng, miền núi, nhiều bệnh nhân bị tiêu chảy liên tục đến kiệt sức rồi tử vong.
Tổng kho thực phẩm Trung ương hết thuốc vì không thể nhập khẩu được qua đường không, đường thuỷ, đường bộ vì máy bay, tàu thuỷ bị quân đội Mỹ bắn phá. Hết thuốc khiến việc điều trị gặp khó khăn.
Lúc bấy giờ, tất cả đều hoang mang không biết lấy thuốc ở đâu, trong cuộc họp khẩn tìm giải pháp phải nghiên cứu sản xuất thuốc bằng cây cỏ trong nước phòng chống lịch lỵ với lãnh đạo Bộ Y tế dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn và Giáo sư Hồ Đắc Di – Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội.
"Khi đó tôi 35 tuổi, lấy hết can đảm đứng lên thay mặt cho trường Đại học Dược Hà Nội xin nhận nhiệm vụ này và hứa sẽ cung cấp đủ thuốc cho Bộ sau 6 tháng", TS Quốc Kinh cho hay.
Cả cuộc đời làm công tác nghiên cứu chỉ mong được đem lại hạnh phúc cho những người bệnh.
Sau lời hứa sẽ có trách nhiệm nghiên cứu và cung cấp đủ thuốc, có rất nhiều ánh mắt và câu hỏi được đặt ra.
Lúc đó TS Quốc Kinh chỉ kịp nhấn mạnh với tất cả mọi người trong cuộc họp và cũng để trấn an tinh thần của mình rằng: "Thuốc của chúng cháu sẽ cho ra đời hiệu lực có thể không bằng các loại thuốc của Pháp, Đức sản xuất nhưng tin chắc là sẽ góp phần dập tắt dịch lỵ nguy hiểm này".
Sau hai tuần huy động tối đa cán bộ giảng dạy và sinh viên miệt mài nghiên cứu. Ba tháng sau, nhóm đã bắt tay vào thu hái dược liệu ở tỉnh Lào Cai và một số tỉnh đồng bằng và bào chế được 2 loại thuốc: Codanxit và Berberin.
Giáo sư Tôn Thất Tùng là người trực tiếp sử dụng Codanxit và Berberin cho chính mình và các bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Đức và kết luận thuốc có hiệu quả tốt. Sau đó chính Giáo sư đã đề nghị Bộ Y tế cho sản xuất quy mô lớn hai loại thuốc này để phục vụ đoàn cán bộ cao cấp ngành Y tế chuẩn bị vào miền Nam.
Sau đó, từ các địa phương đã xác nhận Codanxit và Berberin có tác dụng điều trị hiệu quả các bệnh lỵ. Hai loại "tiên dược" này đã góp phần dập tắt dịch lỵ nguy hiểm và phức tạp ở miền Bắc.
Có một vị Dược sĩ dành cả đời để nghiên cứu khoa học
Nói đến công việc nghiên cứu, với ông chắc hẳn là chặng đường rất dài chứ không kết thúc như nhiều người khi đã về hưu.
Ngay từ những ngày đầy tiên trở thành sinh viên Đại học Y dược Hà Nội tôi đã bắt đầu nung nấu ý tưởng và nguyện vọng dồn công sức cho công việc nghiên cứu.
Dược sĩ tâm sự: "Lúc đó, chúng tôi quyết tâm học tập kinh nghiệm dược học cổ truyền, phải nắm bắt được những kiến thức hiện đại nhất về dược học, hoá học và y học của các nhà bác học hàng đầu thế giới.
Những người làm công tác nghiên cứu như chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Y tế và nhiều giáo sư đầu ngành chỉ đạo và hợp tác nghiên cứu.
Về nguyên tắc, chúng tôi nghiên cứu thuốc từ nguyên liệu sẵn có trong nước để phục vụ người bệnh và tìm những cây cỏ, động vật đặc hữu của Việt Nam, nghiên cứu triển khai để Bộ Y tế cho phép sản xuất với quy mô lớn.
Việc tham gia nghiên cứu bào chế ra thuốc Codanxit và Berberin là ký ức không bao giờ quên của vị Dược sĩ tài giỏi.
Tuy đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học. Tôi đến những bản làng heo hút ở Tây Bắc, Đông Bắc, Trung Bộ đến các vùng dân tộc giáp biên để học hỏi kinh nghiệm quý giá về sử dụng cây cỏ làm thuốc của nhân dân"
Tôi tâm niệm, ngày nào còn sức thì tôi còn làm việc.
Khi được PV hỏi về ký ức đẹp nhất trong cuộc đời làm công tác nghiên cứu, vị Dược sĩ không ngần ngại trả lời: "Việc tham gia nghiên cứu bào chế ra thuốc Codanxit và Berberin, góp phần dập tắt dịch lỵ nguy hiểm trong những năm 1970 là ký ức tôi không bao giờ quên được".