Nga tìm lối thoát khỏi “vũng lầy” Syria

Minh Quân |

Những thách thức mà Moscow phải đối mặt ngày một hiện hữu khi phe đối lập tại Syria phủ nhận kết quả cuộc đàm phán tại Sochi.

Đặc phái viên của Nga về vấn đề Syria Alexander Lavrentiev có một nhiệm vụ không hề dễ dàng, khi phải tìm kiếm thỏa thuận chung giữa 1.393 đại biểu đến từ nhiều đảng phái, dân tộc và tôn giáo khác nhau tại Syria.

Công sức của ông Lavrentiev đã được đền đáp khi sau nhiều giờ đàm phán, Nga tuyên bố các đại diện của Syria tại khu nghỉ dưỡng Biển Đen đã đồng ý thành lập một hội đồng sửa đổi Hiến pháp. Ông Lavrentiev nhận định thỏa thuận sẽ "đóng góp nhằm thúc đẩy quá trình tìm kiếm hòa bình tại Geneve".

Nga tìm lối thoát khỏi “vũng lầy” Syria - Ảnh 1.

Đại hội Đối thoại dân tộc Syria tại Sochi ngày 30/1. (Nguồn: Action News)

Có thể nói, Nga rất mong muốn tìm kiếm một thỏa thuận chính trị sau khi sự can thiệp quân sự của nước này đã đưa cán cân lực lượng nghiêng về phía Tổng thống Syria Bashar al-Assad, biến Moscow thành nhân tố bên ngoài quan trọng nhất tại đây. Tuy nhiên, cuộc đàm phán tại Sochi, vốn bị tẩy chay bởi lực lượng đối lập chính tại Syria và ngờ vực bởi một số đại biểu, đã vạch ra nhiều thách thức mà Kremlin phải đối mặt.

Một "Afghanistan mới"

Tháng 9/2015, Tổng thống Putin đã "nhúng tay" vào xung đột Syria thông qua một chiến dịch quân sự hứa hẹn sẽ kết thúc nhanh gọn và dứt khoát. Nhưng sau hơn 2 năm, ông Putin đang chìm sâu hơn vào "vũng lầy" Damascus.

Ngay cả khi những chiến dịch quân sự do Nga hỗ trợ đạt được nhiều thành công, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang trở nên ngày càng quyết đoán và khó kiểm soát hơn. Đụng độ vẫn tiếp diễn, còn chính quyền phương Tây thì cáo buộc Moscow tiếp tay cho những cuộc thảm sát.

Tháng trước, ông Putin tuyên bố sự can thiệp của Nga đã "đơm hoa kết trái" với sự sụp đổ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đồng thời sẽ rút quân đội về nước. Tuy nhiên, kể từ đó, căn cứ không quân Hmeimim của Nga tại Tây Bắc Syria đã bị tấn công ít nhất 2 lần. Trong khi đó, chính quyền ông Assad tiếp tục pháo kích cơ sở của lực lượng nổi dậy với yểm trợ của không quân Nga, khiến con số thương vong tại tỉnh Idlib tháng qua lên tới 190 người.

Một nhân tố quan trọng khác tại Syria là Thổ nhĩ Kỳ cũng tiến hành chiến dịch tấn công vào lực lượng dân quân người Kurd do Mỹ hỗ trợ tại Afrin, Tây Bắc biên giới Syria.

Nga tìm lối thoát khỏi “vũng lầy” Syria - Ảnh 2.

Lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria. (Nguồn: Getty Images)

Nhận định về tình hình Syria hiện nay, Boris Dolgov, chuyên gia về Trung Đông tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga nói: "Tổng thống Putin đã đúng khi nói rằng IS đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên, những xung đột khác lại đang diễn biến theo chiều hướng xấu hơn.

Moscow nghĩ rằng với việc IS bị tiêu diệt, xung đột quân sự sẽ chấm dứt và Syria có thể tự tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Nhưng một lần nữa, các bên tham chiến lại thiên về sử dụng vũ lực hơn là lời nói".

Chính những biến động này đã khiến ý định của Nga về sử dụng Syria để tăng ảnh hưởng tại Trung Đông, khu vực từng bị Mỹ "thống trị", chưa đạt được thành công như mong đợi. Những cố vấn của Kremlin phải thừa nhận rằng vai trò suy giảm của Nga tại Syria có phần tương đồng với khó khăn Mỹ gặp phải khi tấn công Iraq và Afghanistan.

Xa hơn, hiện thực về một Moscow "mắc kẹt" trong một cuộc chiến kéo dài còn gợi nhớ nhiều người về thất bại của Liên Xô tại chiến trường Afghanistan năm nào. Đây là lần đầu tiên quân đội nước này thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ hòa giải tại một khu vực xa lạ. Sự non kém về mặt kinh nghiệm của Moscow đã bộc lộ rõ: Chỉ vài phút trước khi tuyên bố cuối cùng tại Sochi được đưa ra, lãnh đạo phe đối lập tại Syria đã phủ nhận kết quả, cho rằng nó quá thiên vị phía ông Assad và sẽ không cải thiện tình hình hiện nay.

Còn đó hy vọng

Tuy nhiên, các quan chức Nga cũng cho rằng vẫn còn quá sớm để phủ nhận chính sách ngoại giao của Moscow về Syria.

Một quan chức Ngoại giao Nga cho rằng: "Chúng tôi đã sai khi tin rằng có thể tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này trong vòng vài tháng. Một vài vị tướng nghĩ rằng chúng tôi có thể tiến vào Syria và rút ra nhanh chóng nếu làm theo cách của họ. Nhưng giờ đây, chúng tôi hiểu chỉ cách tiếp cận bằng ngoại giao mới mang đến giải pháp bền vững".

Bên cạnh đó, các nhà phân tích Nga cho rằng thúc đẩy tiến trình đàm phán chính trị là cách ông Putin xây dựng hình ảnh với cử tri trước cuộc bầu cử sắp tới.

Grigory Lukyanov, chuyên gia về xung đột tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga nhận định: "Câu chuyện được kể tới người dân không phải là việc Moscow vẫn đang ở trong xung đột, mà là về ‘chiến trường địa chính trị’ Syria, nơi Nga là kẻ chiến thắng, còn Mỹ đã thất bại".

Nga tìm lối thoát khỏi “vũng lầy” Syria - Ảnh 3.

Lực lượng nổi dậy tại Syria do Mỹ hậu thuẫn đang ở trong một tình thế ngặt nghèo. (Nguồn: Reuters)

Vitaly Naumkin, chuyên gia của Nga về vấn đề Trung Đông và cố vấn cho Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria Staffan De Mistura thì cho rằng Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài.

Ông Vladimir Solotsynsky, cựu Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ quan điểm Nga sẽ hợp tác với tất cả các bên, vì Moscow không phân chia thế giới thành kẻ thù và đồng minh.

Ông nói: "Chúng tôi xác nhận lợi ích của từng bên tham gia, nhưng chúng tôi không bị trói buộc bởi những giá trị hay hệ tư tưởng như Mỹ".

Tuy nhiên, tương tự như ông Naumkin, ông cũng tỏ ra thận trọng: "Tại Syria, chúng ta có thể đang đứng ở điểm khởi đầu của một con đường dài".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại