Sự xuất hiện của chiến hạm USS Fort McHenry “tái khẳng định quyết tâm tập thể của chúng tôi trong việc bảo đảm an ninh ở Biển Đen cũng như trong việc tăng cường các mối quan hệ mạnh mẽ với các đồng minh trong NATO và các đối tác trong khu vực”, Phó Đô đốc Lisa M. Franchetti – Chỉ huy Hạm đội Số 6 của Mỹ, phát biểu.
Chiến hạm Fort McHenry đóng tại Florida đang được triển khai định kỳ với Hạm đội Số 6 của Mỹ để “thực hiện các chiến dịch cùng với đồng minh cũng như đối tác nhằm tăng cường an ninh và sự ổn định ở Châu Âu”, Hạm đội Số 6 của Mỹ cho biết trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm qua (6/1).
Tuyên bố của Hạm đội Số 6 cũng nhắc rằng Hải quân Mỹ thường xuyên hoạt động ở Biển Đen, nói rằng các hành động của họ đều phù hợp với luật quốc tế. 6 chiến hạm của quân đội Mỹ đã tiến hành nhiệm vụ ở khu vực này trong năm 2018, trong đó có các tàu khu trục mang tên lửa: USS Ross, USS Carney và USS Porter cùng với tàu chỉ huy USS Mount Whitney, tàu đổ bộ USS Oak Hill và tàu vận tải USNS Carson City.
Việc Mỹ đưa chiến hạm vào Biển Đen – nơi vốn được xem là sân sau của Nga, chắc chắn sẽ khiến Moscow lo lắng và tức giận trong bối cảnh khu vực này vốn đang nổi “sóng to, gió lớn” sau khi xảy ra vụ đụng độ hải quân ở Eo biển Kerch hôm 25/11/2018. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nga đã nổ súng vào các tàu của Hải quân Ukraine.
Nga tuyên bố họ phải sử dụng vũ khí để ngăn chặn các tàu của Ukraine đi vào vùng lãnh hải của Nga ở Biển Đen. Các tàu hải quân của Ukraine gồm tàu ‘Berdiansk’, ‘Nikopol’ và ‘Yany Kapu’ cùng với 24 thủy thủ trên tàu đã bị bắt giữ vì vi phạm vùng lãnh hải của Nga, FSB cho biết trong một tuyên bố được phát đi ngày 25/11/2018.
Các tàu này đã phớt lờ “yêu cầu hợp pháp” của Nga đòi họ dừng hoạt động xâm phạm lãnh hải của Nga. Không những thế, các tàu của Ukraine còn tiếp tục “có những động thái nguy hiểm” và các tàu của Nga đã buộc phải nổ súng để ngăn chặn đối phương, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) xác nhận.
Hải quân Ukraine cáo buộc Nga nổ súng vào hạm đội tàu của họ, làm bị thương ít nhất 6 thủy thủ và bắt giữ ba tàu của họ ở khu vực gần tuyến đường biển then chốt nằm ngoài khơi bán đảo Crimea.
Vụ việc trên đã đẩy cao căng thẳng giữa Nga và Ukraine lên mức cao nhất kể từ sau khi Moscow tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Sau vụ đụng độ, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko liên tiếp kêu gọi đồng minh Mỹ và phương Tây giúp đỡ Kiev. Ông Poroshenko muốn phương Tây tung thêm các biện pháp trừng phạt Nga và tăng cường sự hiện diện quân sự ở những khu vực xung quanh biên giới Nga.
Hành động đưa tàu chiến vào Biển Đen của Mỹ có thể được coi là phản ứng của Washington đối với lời kêu gọi của đồng minh Ukraine. Mỹ và phương Tây đã hậu thuẫn cho Kiev trong cuộc đối đầu dai dẳng không hồi kết với Nga.
Quan hệ giữa Nga và Ukraine hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai bên xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013.
Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga.
Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.
Chính quyền Kiev hiện nay đang theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt.
Trong suốt mấy năm qua, Kiev liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước của họ cũng như kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông. Kiev tố cáo Moscow đưa quân và vũ khí vào hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
Đáp lại, Nga bác bỏ mọi lời cáo buộc như trên, đồng thời tố cáo ngược lại rằng Kiev hoàn toàn không muốn thúc đẩy tiến trình hòa bình ở nước này và chỉ muốn đối đầu với Nga.