Nga dàn trận tên lửa như thiên la địa võng ở Syria: Mỹ không rút quân mới lạ!

Trung Phạm |

Mục tiêu sau chốt của Nga là sử dụng các khả năng kỹ thuật của mình như một phần của chiến dịch lớn hơn để buộc liên minh chống khủng bố IS do Mỹ đứng đầu phải rút quân khỏi Syria.

Thế trận phòng nhiều lớp tích hợp

Nga đã hoàn thành việc thiết lập được một mạng lưới chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2AD) với mục đích nhằm kiểm soát các hoạt động của Mỹ ở Syria và vùng biển phía Đông Địa Trung Hải.

Mạng lưới này tích hợp các hệ thống phòng không và tác chiến điện tử được điều chuyển tới từ Nga cùng với những phương tiện hiện đại trước đây do Syria vận hành. Nga đã bắt tay xây dựng những khả năng này ngay sau quyết định can thiệp vào Syria năm 2015.

Ban đầu, Quân đội Nga thiết lập một mạng lưới phòng không độc lập nhằm bảo vệ các trang thiết bị quân sự của mình ở Căn cứ Không quân Hmeimim và Căn cứ Hải quân Tartus trên bờ biển Địa Trung Hải.

Đến tháng 11/2015, Nga triển khai một tiểu đoàn tên lửa đất đối không S-400 tới Căn cứ Hmeimim. Sau đó, đến tháng 8/2018 nước này lại lắp đặt thêm ít nhất 3 tiểu đoàn phòng không khác, gồm 2 tiểu đoàn S-400 và 1 tiểu đoàn S-300 để tạo thành một mạng lưới phòng không nhiều lớp ở phía Bắc Syria.

Quân đội Nga tích hợp các tổ hợp này với hệ thống radar của lực lượng Phòng không Syria nhằm mở rộng khả năng giám sát không phận Syria.

Đến tháng 8/2017, Nga cũng đã vận hành các hệ thống chỉ huy - điều khiển và định vị mục tiêu có giới hạn tại Syria. Các lực lượng vũ trang Nga nhiều khả năng đã triển khai hệ thống chỉ huy và điều khiển cơ động Barnaul-T cho các tổ hợp phòng không tầm ngắn tới Syria vào năm 2015.

Theo một số nguồn tin, Nga cũng triển khai ít nhất một radar định vị mục tiêu tiên tiến 1L122-1E tới Syria. Không quân Nga bắt đầu huấn luyện với 1L122-1E dưới vai trò là một cấu phần của Barnaul-T lần đầu tiên vào tháng 2/2016 và tiếp thị xuất khẩu vào tháng 7/2018 sau khi đã thử nghiệm thực tế ở Syria.

1L122-1E có thể cung cấp thông tin mục tiêu cho rất nhiều hệ thống phòng không tầm gần khác nhau, trong đó có Osa (SA-8), Strela-10 (SA-13) và các hệ thống phòng không vác vai (MANPADS).

Nga dàn trận tên lửa như thiên la địa võng ở Syria: Mỹ không rút quân mới lạ! - Ảnh 1.

Hệ thống điều khiển phòng không tự động Barnaul-T. Ảnh: RT

Quyền kiểm soát thuộc về người Nga

Đến năm 2018, Nga tiếp tục mở rộng việc triển khai các hệ thống phòng không ở Syria. Đầu tiên, Nga công khai bày tỏ ý định mở rộng hơn nữa mạng lưới sau khi liên minh Mỹ - Anh - Pháp tiến hành tấn công Syria với cáo buộc Damascus sử dụng vũ khí hóa học ngày 14/4.

Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Liên bang Nga Viktor Bondarev tuyên bố, Nga có thể đáp trả các vụ tấn công bằng cách thiết lập một hệ thống phòng không "đa tầng, hiệu quả cao" tại Syria.

Moscow còn đẩy mạnh nỗ lực này hơn nữa sau khi Phòng không Syria vô tình bắn rơi một chiếc máy bay trinh sát IL-20 của Nga khi phản kích đợt tấn công của Israel ngày 17/9. Quân đội Nga đã triển khai thêm ít nhất 3 tiểu đoàn phòng không S-300 tới Syria vào ngày 2/10.

Các hệ thống này được cho là đã đảm trách nhiệm vụ chiến đấu từ ngày 7/11, mặc dù hình ảnh vệ tinh sau đó cho thấy ít nhất 1 trong số 3 tổ hợp này vẫn ở địa điểm cất trữ ngày 13/11.

Những đợt triển khai mới nhất này đã mở rộng đáng kể tầm bao quát của mạng lưới phòng không Nga ở Syria. Moscow đã bố trí tiểu đoàn S-300 mới đầu tiên ở vùng núi thuộc tỉnh Tartus chạy dọc bờ biển phía Tây Syria.

Tiểu đoàn này nằm trong phạm vi 2 km của các hệ thống S-400 Nga và S-200 Syria đã thiết lập trước đó. Nga được cho là đã lắp đặt tiểu đoàn thứ hai ở căn cứ không quân T4 (Tiyas) nằm ở phía Đông Bắc Damascus.

Vị trí của tiểu đoàn số 3 vẫn chưa rõ mặc dù nó có thể được triển khai tới Căn cứ Không quân Deir ez-Zour phía Đông Syria. Vị trí này, nếu được xác nhận, có thể kiềm chế vô cùng tốt các hoạt động trên không của Liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu ở Đông Syria.

Trong năm 2018, Nga cũng đồng thời củng cố hệ thống chỉ huy và điều khiển của mình khi đặt cả Phòng không Syria nằm dưới quyền chỉ huy của họ.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, đến 20/10 họ sẽ thiết lập một hệ thống điều khiển đơn nhất cho các tổ hợp phòng không được vận hành bởi cả Nga và Syria. Thông báo này được tiếp nối bởi nhiều bước đi nhanh chóng sau đó nhằm phản ứng trước vụ chiếc IL-20 bị bắn hạ.

Ngày 31/10, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã triển khai hệ thống chỉ huy và điều khiển cơ động Polyana-D4 dùng cho các hệ thống phòng không tầm xa tới Syria. Polyana-D4 có khả năng đồng thời chỉ huy nhiều nhiều hệ thống phòng không, gồm cả S-300, Pantsir-S1 (SA-22), Buk-M2 (SA-17) và Tor-M1 (SA-15). Nó có thể bao quát một khu vực rộng lớn hơn Barnaul-T.

Bên cạnh đó, Nga cũng đã cải tiến các tổ hợp S-300 ở Syria nhằm đồng bộ hóa việc mã hóa với các radar của Syria.

Nga dàn trận tên lửa như thiên la địa võng ở Syria: Mỹ không rút quân mới lạ! - Ảnh 2.

Hệ thống A2AD Nga thiết lập tại Syria đến tháng 11/2018

Như vậy Nga hiện đang kiểm soát một mạng lưới phòng không tích hợp đặt tại Syria và nằm dưới sự điều khiển của Các lực lượng Vũ trang Nga. Moscow tuyên bố sẽ huấn luyện cho các đơn vị bản địa để tiến tới trao lại quyền điều hành cho Phòng không Syria. Tuy nhiên, có vẻ những tuyên bố này là không đúng.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 31/10 nói rằng họ sẽ tiến hành một khóa huấn luyện 3 tháng sử dụng S-300 cho Syria. Trước đây, Syria đã từng nhận được một khóa đào tạo ngắn hạn tương tự cho tới khi Nga từ bỏ hợp đồng cung cấp S-300 cho Syria vào tháng 6/2012.

Lịch đào tạo ngắn ngủi như vậy là không thể đủ để các lực lượng phòng không Syria đảm trách các hoạt động độc lập. Nga nhiều khả năng chỉ huấn luyện các đơn vị về bảo trì cơ bản và tích hợp một số radar cũng như các hệ thống phòng không tầm ngắn vào hệ thống chỉ huy mới do Nga lãnh đạo.

Ngoài ra, Syria còn phải đối mặt với những thách thức về hệ thống với mạng lưới phòng không của mình do thiết bị cũ kỹ và sự suy kiệt trong chính Quân đội Syria suốt thời gian nội chiến. Rất có thể, Syria sẽ không còn được sở hữu các khả năng phòng không độc lập với Nga nữa.

Đánh bật Mỹ khỏi Syria

Mục tiêu sau chốt của Nga là sử dụng các khả năng kỹ thuật của mình như một phần của chiến dịch lớn hơn để buộc liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu phải rút quân khỏi Syria. Nga cũng có thể sử dụng những hệ thống này để làm giảm quyền tự do hoạt động, qua đó gia tăng rủi ro cho Mỹ ở Syria.

Các hệ thống phòng không kết hợp với mạng lượng tác chiến điện tử của Nga sẽ làm tăng chi phí cho các chiến dịch không quân và hải quân của Mỹ ở Syria cũng như phía Đông Địa Trung Hải. Nó gây tốn kém cho các cuộc tấn công trong tương lai của Mỹ và cả Israel trong cuộc chiến chống lại Iran ở Syria.

Điều đó buộc cả Mỹ và Israel phải luôn chuẩn bị sẵn sàng cho việc chế áp một số lượng lớn hệ thống phòng không và sử dụng nhiều hơn tới các máy bay tàng hình đắt đỏ như F-35 ở Syria.

Nga cũng đặt mục tiêu giành lợi thế chiến lược lớn lâu dài trước NATO bằng các khả năng ở Syria. Mỹ và NATO hiện buộc phải tính toán tới rủi ro về một sự leo thang nguy hiểm ở Trung Đông trước bất kỳ cuộc đối đầu nào với Nga ở Đông Âu.

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà ngày 19/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng tải trên tài khoản Twitter của mình với tuyên bố sẽ rút quân Mỹ khỏi Syria. Ngày 23/12/2018, người phát ngôn Quân đội Mỹ phát đi thông báo, sắc lệnh rút các binh lính nước này khỏi Syria đã được ký chính thức. 

S-300 và S-400 tham gia tập trận Vostok 2018

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại