Tháng 7/2012, trận chiến Aleppo bùng phát giữa một bên là Quân đội Chính phủ Syria đặt dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Bashar Assad và một bên là các phe phái nổi dậy Syria.
Phe đối lập tập kích đồn cảnh sát, tấn công doanh trại quân đội nhưng đã bị Quân đội Syria đáp trả bằng không quân, rồi điều bộ binh bao vây thành phố.
Sau một năm giao chiến, một số phần tử nổi dậy đã thấm mệt và suy kiệt. Tuy nhiên, họ không thể biết được rằng cuộc chiến còn tiếp tục kéo dài tới 6 năm sau đó và quân của Tổng thống Assad cuối cùng cũng lấy lại Aleppo vào tháng 12/2016.
Đằng sau hậu trường, Mỹ và Nga ráo riết chuẩn bị tiếp viện cho các lực lượng mà họ ủng hộ. Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ra tay giải cứu phe nổi dậy. Theo những thông tin đã công bố, đến mùa Hè năm 2012, vũ khí đã được điều chuyển tới tay phiến quân dưới sự trợ giúp của Mỹ.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh ủng hộ cho lực lượng nổi dậy Syria, như cách ông đã phát động không kích Libya một năm về trước. Tiếp đến, Mỹ trực tiếp điều phối các hoạt động huấn luyện cho phiến quân. Chỉ trong một thời gian ngắn, Mỹ đã chiếm lĩnh vị trí "tay trên" ở Syria. Chính quyền Syria - đồng minh của Nga rơi vào thế chơi vơi.
Tháng 8/2013, các lực lượng của Tổng thống Assad phát động một cuộc tấn công vào Ghouta ở ngoại ô Thủ đô Damascus và bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học. Hàng trăm người bị chết và Mỹ đã tính tới vũ lực trừng phạt là các cuộc không kích. Nhưng người Nga đã kịp thời ra tay.
Các lực lượng Mỹ bắn pháo tại Syria. Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ
Nga can thiệp kịp thời
Để tránh một nghị quyết lên án của Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đưa ra để xuất các kho vũ khí hóa học của Syria phải được đặt dưới sự giám sát của quốc tế, đồng thời ngăn chặn các ý đồ không kích. Tổng thống Obama cũng tìm được lối thoát khi các quốc gia phương Tây khác như Anh, và thậm chí là Quốc hội Mỹ cũng phản đối không kích.
Từng bước, từng bước, Nga đã giúp giữ vững chế độ Syria trong mùa Thu 2013 và mùa Xuân 2014. Chính phủ của Tổng thống Assad càng được củng cố thêm khi Iran trợ giúp bằng cách gửi sang Syria hàng nghìn chiến binh, trong đó có cả các tay súng được tuyển chọn từ các cộng đồng Shi’ite ở các quốc gia khác. Hezbollah cũng chung tay góp sức.
Khi cuộc chiến bị quốc tế hóa, phe đối lập được nhận thêm sự hỗ trợ từ các quốc gia nước ngoài như Qatar, Saudi Arabia thuộc khối vùng Vịnh hay từ Jordan với phương Tây đứng phía sau và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, các phe nổi dậy gặp phải vấn đề lớn. Họ không thể đoàn kết và vô số nhóm do CIA hậu thuẫn chẳng qua chỉ là những con ngáo ộp. Thông tin tiết lộ năm 2015 cho thấy hàng trăm triệu USD đổ vào giúp đỡ phe nổi dậy đã bốc hơi một cách hoang phí.
Các phe phái do Mỹ hậu thuẫn huấn luyện được rất ít chiến binh còn những nhóm sản sinh được các tay súng hiệu quả hơn ngày càng trở thành những kẻ thánh chiến, gồm cả Ahrar al-Sham và Mặt trận Nusra - phiên bản Al-Qaeda ở Syria.
Binh lính Quân đội Nga. Ảnh: TASS
Trong khi đó, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), lực lượng khủng bố có nguồn gốc từ Iraq lại trở nên mạnh hơn ở phía Đông thung lũng Euphrates Syria, bắt đầu chiếm đóng lãnh thổ và mua chuộc, chiêu mộ chiến binh nước ngoài theo tư tưởng cực đoan.
IS trở thành mối phân tâm chính của Mỹ với lo sợ rằng sự trợ giúp của họ cho các nhóm phiến quân có thể tiếp thêm sức cho con quái vật này. Nhưng Nga thì không, Moscow đã cẩn trọng lập kế hoạch không kích chúng, bắt đầu từ tháng 10.2015.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter kịch liệt lên án Nga, cho đó là hành động đổ thêm dầu vào lửa. Ông Carter nhấn mạnh, việc Nga đánh bom IS cùng các nhóm khủng bố khác còn nhằm vào các nhóm đối lập thuộc "tiến trình chuyển giao chính trị phía trước" và cách làm của Nga chắc chắn sẽ thất bại.
Nhưng năm 2014, Washington cũng chuyển từ chống chế độ Assad sang đánh khủng bố IS, thành lập một liên minh quốc tế gồm 70 nước. Giai đoạn 2013 - 2015, Mỹ còn bận mải với thỏa thuận hạt nhân Iran. Điều này có nghĩa là, Mỹ đã quyết định Thỏa thuận Iran quan trọng hơn và ông Assad sẽ tiếp tục nắm giữ quyền lực với sự trợ giúp của Iran và Nga.
Trực tiếp thách thức Mỹ
Sự can thiệp của Nga mang lại kết quả ngay tức thì. Lực lượng nổi dậy Syria phải rời Homs theo một thỏa thuận tháng 12/2015. Đến tháng 12/2016, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục dàn xếp được một thỏa thuận ngừng bắn trên quy mô rộng khắp đất nước.
Tháng 1/2017, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ họp nhóm tại Astana và đi đến thống nhất thiết lập lệnh ngừng bắn và các khu giảm leo thang căng thẳng ở miền Nam, miền Trung và miền Bắc.
Trong khi đó, Mỹ can dự sâu hơn vào miền Đông Syria, giúp các chiến binh người Kurd đánh bại IS. Cùng với các chuyến hành không vận hỗ trợ người Kurd ở Kobani tháng 10/2014, Chính quyền Obama đã tăng thêm sự trợ giúp bằng các triển khai lực lượng đặc nhiệm tới Đông Syria vào tháng 10/ 2015.
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Manbij, Syria. Ảnh: The New York Times
Đến 2016, Mỹ vẫn thành công, tiếp tục hậu thuẫn cho một tổ chức mới thống lĩnh các nhóm đối lập - Lực lượng Dân chủ Syria, giải phóng Shaddadi vào tháng 2/2016 và Manbij vào tháng 8 cùng năm.
Khi SDF do người Kurd hậu thuẫn mở rộng, Thổ Nhĩ Kỳ trở nên lo lắng, cáo buộc Mỹ ủng hộ các phần tử khủng bố có liên hệ với PKK. Ankara quyết định can thiệp. Mỹ tiếp tục đổ vật lực và nhân lực vào Syria, giúp giải phóng Raqqa, thủ đô của IS vào tháng 10/2017. Đây là một chiến dịch hiệu quả với ít thương vong cho phía Mỹ.
Nhưng cái gì đến sẽ đến, các lực lượng Mỹ và Nga phải giáp mặt với nhau ở vùng sông Euphrates gần Deir ez-Zor. Muốn thử thách cam kết của Mỹ, một nhóm lính đánh thuê Nga cùng các chiến binh Syria đã phát động một cuộc tấn công khắp Euphrates vào tháng 2/2018, trực tiếp nhằm vào SDF.
Quân Mỹ phản kích bằng không quân, giết hại nhiều lính đánh thuê Nga như phát đi một thông điệp rằng Mỹ luôn ở cạnh các đối tác Syria.
Thừa thắng xông lên
Nga quyết định họ có thể "chơi" Mỹ ở những nơi khác. Trước đó, tháng 7/2017, Tổng thống Trump đã thông báo kế hoạch chấm dứt trợ giúp cho các nhóm nổi dậy Syria còn quân chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn đã chiếm lại những khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát ở miền Nam Syria và xung quanh Damascus.
Đến tháng 9/2018, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký một thỏa thuận dàn xếp vấn đề Idlib, một trong những thành trì cuối cùng do phiến quân còn chiếm giữ.
Sau đó, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định gặp gỡ ở Geneva để thảo luận về hiến pháp Syria. Bằng cách tới Geneva vào tháng 12/2018, người Nga cho thấy họ không chỉ đánh bại lực lượng nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn mà còn mang lại một tiến trình ngoại giao mà Mỹ chỉ dám "đãi bôi".
Nga đã xác lập được vị thế hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ nhưng lại rất phẫn nộ với sự ủng hộ của Washington cho Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG).
Tổng thống Putin nói chuyện cùng các binh lính Nga. Ảnh: Vox
Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran cũng gần gũi với nhau hơn, còn Mỹ thì bị ghẻ lạnh hất ra bên ngoài. Thậm chí các đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia còn không thèm thông qua gói tài trợ cho các hoạt động ở Đông Syria như ông Trump mong muốn.
Và hiện nay, Tổng thống Mỹ đã ra quyết định rời khỏi Đông Syria còn Nga thì tiếp tục lấp chỗ với tư cách một bên bảo trợ cho một thỏa thuận nữa như họ đã từng làm từ năm 2013 để củng cố quyền lực cho chính phủ của Tổng thống Syria Assad. Moscow bám sát chính sách phục vụ một mục tiêu nhất quán là duy trì chính phủ Syria dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Assad.
Rõ ràng, bất chấp việc Nga ở thế yếu hơn Mỹ, ít tiền và sức mạnh không quân cũng kém hơn nhưng họ đã liên tục đánh bại Mỹ, nhận định một cách đúng đắn rằng, Mỹ sẽ không thể lật đổ chính quyền Syria bằng không kích và các phe phái nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn chỉ là những phần tử tham nhũng, thối nát và chỉ giỏi đánh đấm lẫn nhau.
Nga cũng rất khôn khéo trang thủ được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu hợp tác về một đường ống dẫn khí mới tới đây và bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Ankara. Mặc dù, cuối cùng Nga có thể sẽ vấp Ngã ở Syria, nhưng cho tới nay họ đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra.
Xem Su-34 Nga dội bom diệt IS ở Syria