Thổ Nhĩ Kỳ mời chuyên gia Mỹ "nghiên cứu" S-400 Nga: Lộ hết bí mật?

Anh Tú |

Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, hợp đồng mua bán hệ thống S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tính trước những danh mục dữ liệu mà Ankara không được phép tiết lộ.

Hãng tin Bloomberg dẫn hai nguồn tin am hiểu sự việc cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị các chuyên gia kỹ thuật Mỹ nghiên cứu hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 mà nước này mua từ Nga nhằm "kiểm soát tổn hại" trong các quan hệ với Washington vốn nảy sinh từ quyết định theo đuổi hợp đồng này của Ankara với Moscow.

Bình luận về thông tin trên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, hợp đồng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tính trước những danh mục dữ liệu nhất định mà Ankara không được phép tiết lộ.

"Theo quy định, bất cứ một thỏa thuận hợp tác quân sự quốc phòng nào của Nga với các quốc gia nước ngoài đều phải tính tới những nghĩa vụ pháp lý về việc không được tiết lộ một số dạng thông tin nhất định, cũng như những dữ liệu nhạy cảm liên quan tới quan hệ hợp tác", ông Dmitry Peskov lý giải.

"Trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, chắc chắn cũng sẽ có những nghĩa vụ pháp lý như vậy... Chúng tôi không thấy có bất cứ lý do gì để không tin tưởng các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ của mình".

Ankara và Washington hiện chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về thông tin được Bloomberg công bố.

Thổ Nhĩ Kỳ mời chuyên gia Mỹ nghiên cứu S-400 Nga: Lộ hết bí mật? - Ảnh 1.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tham gia lễ kỷ niệm 73 năm ngày chiến thắng cuộc Chiến tranh Vệ Quốc Vĩ đại. Ảnh: Sputnik

Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác chủ chốt trong chương trình phát triển các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ. Theo kế hoạch hợp tác, 10 công ty của Thổ Nhĩ Kỳ đảm trách sản xuất các thiết bị trị giá khoảng 12 tỷ USD, trong đó có cả những chi tiết kỹ thuật rất quan trọng.

Chính phủ Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại trước quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống phòng không do Nga chế tạo và đã ngăn chặn việc chuyển giao các máy bay F-35 cho Ankara với lo ngại công nghệ nhạy cảm có thể bị tiết lộ và sử dụng để nâng cấp các hệ thống phòng thủ của Nga nếu Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu được cả hai.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ chưa tỏ rõ bất cứ dấu hiệu nào cho thấy nước này sẽ từ bỏ S-400 nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua thương vụ bán các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa Patriot trị giá 3,5 tỷ USD cho Ankara và đã thông báo cho Quốc hội Mỹ biết về quyết định này.

Hợp đồng đề xuất đó bao gồm 140 tên lửa Patriot, radar và các trạm điều khiển dưới mặt đất, và tất nhiên phải được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.

Các nguồn tin giấu tên am hiểu vụ việc chia sẻ trên Bloomberg rằng, sự phản đối ở Quốc hội Mỹ với thương vụ Patriot đã giảm xuống sau khi chính quyền Donald Trump cam kết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn phải đối diện với các lệnh trừng phạt nếu nước này tiếp tục mua các hệ thống S-400 của Nga.

Trong cuộc họp báo tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh, Ankara sẽ không bao giờ từ bỏ hợp đồng S-400 với Moscow nhưng để ngỏ khả năng mua vũ khí Mỹ trong tương lai. Khi đó, ông Cavusoglu cũng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ mong muốn mua tên lửa Patriot của Mỹ nhưng chưa nhận được cam kết từ phía Washington.

Tháng 12/2017, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt bút ký thỏa thuận cung cấp các hệ thống phòng không S-400 cho Ankara. Hành động này đã thổi bùng căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ và Washington đã đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt với lý do vũ khí do Nga chế tạo không tương thích với mạng lưới phòng thủ của NATO.

Bất chấp những sức ép từ Washington, Ankara vẫn nhiều lần lên tiếng cảnh báo sẽ đóng băng hợp đồng mua máy bay F-35, đồng thời đe dọa tiến hành các biện pháp trả đũa thích đáng.

S-400 khai hỏa tại trường bắn Ashuluk trong cuộc tập trận chiến thuật của Lực lượng phòng thủ Vũ trụ Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại