Thông tin này vừa được Phó Chủ tịch Tập đoàn Chế tạo máyy bay Thống nhất (UAC) Nga, ông Ilya Tarasenko, xác nhận với RIA Novosti bên lề triển lãm vũ khí LIMA 2019 đang diễn ra ở Langkawi, Malaysia.
"Lực lượng Không quân Bangladesh chủ yếu bao gồm các máy bay Nga sản xuất. Chúng tôi tin rằng đề xuất tiếp theo về hai loại máy bay tiêm kích thế hệ 4+ hạng trung và hạng nặng hai chỗ ngồi gồm MiG-35 và Su-30SME của Nga là tốt nhất trong phân lớp đó", ông Tarasenko cho hay.
Thật vậy, với yêu cầu của gói thầu cung cấp 8 máy bay chiến đấu đa năng mà Không quân Bangladesh đưa ra thì MiG-35 và Su-30SME đang là lựa chọn số 1.
Cụ thể, Không quân Bangladesh (BAF) yêu cầu các nhà thầu cung cấp thiết kế máy bay chiến đấu đa năng hai động cơ, mỗi động cơ phải có lực đẩy khô tối thiểu 5.500kg và hơn 8.000kg sau khi đốt tăng lực, tầm bay phải đạt 2.500km.
Về hệ thống điện tử, BAF yêu cầu chiếc máy bay phải được trang bị hệ thống radar mạng pha với tầm trinh sát không đối không 150km, không đối đất 50km; hệ thống trinh sát - theo dõi hồng ngoại với tầm tối thiểu 50km; hệ thống ngắm tích hợp trên mũ bay phi công...
Về vũ khí, mẫu máy bay đó phải có tối thiểu 8 giá treo và tải trọng vũ khí ít nhất 5 tấn.
Ngoài ra, BAF còn có thêm yêu cầu việc chuyển giao 8 máy bay "chỉ thực hiện trong hai đợt, mỗi đợt 4 chiếc và đạt thứ hai phải giao sau đợt đầu 18-24 tháng.
Mặc dù trên thế giới có khá nhiều loại máy bay đáp ứng được tính năng trên, tuy nhiên dựa theo "truyền thống" của BAF thì rõ ràng chỉ có hai quốc gia cạnh tranh là Nga và Trung Quốc.
Mà với yêu cầu tiêm kích hai động cơ thì Trung Quốc dĩ nhiên bị "loại từ vòng gửi xe" dù những chiếc J-10 hay JF-17 Thunder "hiện đại mà rẻ" nhưng chỉ có một động cơ.
Còn nếu xuất khẩu J-11 (sao chép mẫu Su-27 Nga) thì việc này rất khó khăn khi mà có thể gặp rắc rối với vấn đề bản quyền.
Do đó, gần như chắc chắn Su-30SME và MiG-35 có thể giành được chiến thắng trong gói thầu của Bangladesh.
Hiện nay, Không quân Bangladesh chỉ có trong tay 45 chiếc tiêm kích gồm 8 MiG-29 và 37 F-7. Hơn bao giờ hết họ đang cần phải tăng cường thêm các máy bay chiến đấu.
Nhìn chung, dù đây chỉ là gói thầu nhỏ bé (8 máy bay), tuy nhiên điều mà UAC cần có thể là một hợp đồng để có mở đầu thuận lợi cho "tân binh" Su-30SME và có thêm "chút lợi nhuận" từ "chiến binh lận đận" MiG-35.
Video cận cảnh tiêm kích thế hệ 4+ MiG-35 "lận đận"