Thông tin trên do tờ Russia beyond the headlines dẫn nguồn từ truyền thông Trung Quốc cho biết hôm 24/1.
Bình luận về điều này, ông Dmitry Peskov - người phát ngôn điện Kremlin tuyên bố, Moskva không thấy việc Trung Quốc triển khai tên lửa liên lục địa gần biên giới Nga là mối đe dọa.
"Chúng tôi không xem nỗ lực phát triển lực lượng vũ trang của Trung Quốc là mối đe dọa và ngay cả khi thông tin này đúng thì chúng tôi cũng không cảm thấy đó là mối đe dọa với nước Nga" - ông Peskov nói với các phóng viên.
Cùng ngày, khi trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti, chuyên gia phân tích chính trị Alexander Perendzhiev cho biết, có thông tin Bắc Kinh đã triển khai tên lửa DF-41 ở 3 địa điểm khác nhau tại Trung Quốc.
Theo ông Perendzhiev, động thái này là nhằm đáp trả hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ triển khai tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Hình ảnh được cho là tên lửa DF-41 Trung Quốc. Ảnh: Sputnik
"Trung Quốc đã triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhằm đáp trả các thành phần trong lá chắn tên lửa mà Washington bố trị tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
Mỹ tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa của họ ở châu Á-Thái Bình Dương chỉ nhằm đối phó Triều Tiên, nhưng trên thực tế, nó được thiết kế để đối phó với tiềm năng hạt nhân của Trung Quốc và Nga" - ông Perendzhiev nói.
Ngoài tỉnh Hắc Long Giang, DF-41 còn được cho là triển khai tại thành phố Tín Dương thuộc tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc và khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương ở phía tây bắc Trung Quốc.
Đáng chú ý là, thông tin về việc Trung Quốc triển khai DF-41 được công bố sau khi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc khởi động cuộc tập trận phòng thủ tên lửa kéo dài 3 ngày nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.
Trao đổi với RIA Novosti, chuyên gia quân sự Vasily Kashin cho biết, một số bức ảnh mà giới chuyên gia cho là của DF-41 đã được chia sẻ trên nhiều website và diễn đàn quân sự Trung Quốc từ tháng 12 năm ngoái.
Khi đó, chúng không gây xôn xao. Nhưng lần này, thông tin do nhiều tờ báo Hồng Kông đăng tải đã được Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) dẫn lại.
"Đó là quy trình xác nhận thông tin thường thấy về các hệ thống vũ khí mới trên truyền thông Trung Quốc.
Cách này (đầu tiên là rò rỉ từ diễn đàn, sau đó được báo chí Hồng Kông và nước ngoài đăng tải rồi cuối cùng truyền thông Trung Quốc dẫn lại) cũng được sử dụng để giới thiệu thông tin về một số loại vũ khí quan trọng khác của họ, trong đó có J-20" - ông Kashin giải thích.
Theo vị chuyên gia, giới lãnh đạo Trung Quốc muốn thu hút nhiều sự chú ý và họ "rõ ràng" đã đạt được điều này. Ông Kashin lưu ý tới thời điểm mà tin tức được tung ra.
"Mặc dù chương trình phát triển và tiền sản xuất của DF-41 kéo dài nhiều năm nhưng thông tin về loại ICBM này được công bố không bao lâu sau lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trung Quốc đã dùng cách đó để gửi đi thông điệp chính trị quan trọng tới Mỹ" - ông Kashin nói.
DF-41 là tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn 3 tầng, có tầm bắn tối đa lên tới 15.000km và tốc độ tối đa tới Mach 25. Nó có thể mang tới 10 đầu đạn dẫn hướng độc lập. Thời gian chuẩn bị phóng ước tính từ 3-5 phút.