Nếu Trung Quốc tấn công bằng DF-26, Mỹ nhất quyết phải chờ tên lửa nổ mới trả đũa: Vì sao?

Vy Lam |

Có một điểm cực kỳ gây mơ hồ trên tên lửa đạn đạo DF-26 của Trung Quốc, làm dấy lên các cuộc tranh cãi trong giới phân tích. Nhiều kịch bản đã được đưa ra.

Trong báo cáo thường niên gần đây nhất trình lên Quốc hội Mỹ của Ủy ban đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung, ủy ban này cho rằng hệ thống tên lửa DF-26 của Trung Quốc đặt ra một mối đe dọa leo thang đặc biệt trong cuộc xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tên lửa DF-26, với tầm bắn khoảng 4.000km, là một hệ thống có khả năng kép: Tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường, và các đầu đạn này có thể nhanh chóng được lắp đặt, cũng như thay thế trên những tên lửa đã ở trạng thái sẵn sàng phóng.

Kể từ khi ra mắt công chúng vào năm 2015, vai trò hạt nhân của DF-26 đã thu hút sự chú ý đáng kể của các chuyên gia trong lĩnh vực này. Một số ý kiến cho rằng việc sử dụng các tên lửa DF-26 có thể dẫn tới tình huống leo thang hạt nhân ngẫu nhiên giữa Trung Quốc và Mỹ.

Nếu Trung Quốc tấn công bằng DF-26, Mỹ nhất quyết phải chờ tên lửa nổ mới trả đũa: Vì sao? - Ảnh 1.

Tên lửa DF-26 trong lễ duyệt binh tại Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 9/2015. Ảnh: Xinhua.

Điều đáng lo ngại là một ngày nào đó, Mỹ có thể thấy một loạt tên lửa DF-26 đang lao về phía mình và họ cho rằng chúng đang mang đầu đạn hạt nhân. Giới lãnh đạo Mỹ có thể quyết định trả đũa bằng vũ khí hạt nhân, mà không hề hay biết trên thực tế các tên lửa Trung Quốc chỉ mang đầu đạn thông thường.

Một số nhà phân tích tranh cãi rằng sự mơ hồ trước khi tên lửa được phóng đi có thể góp phần vào sự leo thang ngoài ý muốn. Tuy nhiên, trong bài phân tích trên website của tổ chức "Bulletin of the Atomic Scientists", nhà phân tích Sky Lo cho rằng, khi xem xét kỹ hơn sẽ thấy, sự leo thang hạt nhân khó có khả năng xảy ra như những gì một số người đang tin tưởng.

Mỹ phản ứng trước các tên lửa DF-26 đang lao tới

Các hệ thống cảnh báo sớm hiện đại có khả năng tính toán quỹ đạo và các điểm có thể nằm trong phạm vi tác động của những đầu đạn đang lao tới.

Trong trường hợp Trung Quốc phát động một cuộc tấn công tên lửa nhằm vào lực lượng Mỹ ở khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương, Washington có thể xác định những tên lửa DF-26 đang lao tới là tên lửa đạn đạo tầm trung nhắm tới các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương, chứ không phải tên lửa đạn đạo liên lục địa hướng về lục địa Mỹ.

Ngay cả khi tên lửa Trung Quốc được lắp đầu đạn hạt nhân, những đầu đạn này cũng sẽ không bắn trúng vào các trung tâm dân cư lớn của Mỹ hoặc làm giảm hiệu quả của lực lượng hạt nhân Mỹ.

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ sẽ không mất gì nhiều nếu đợi cho đến khi tên lửa phát nổ, trước khi tiến hành một cuộc phản công. Việc vội vàng phát động tấn công trả đũa Trung Quốc có thể sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh hạt nhân mà không bên nào muốn dấn vào.

Nếu Trung Quốc tấn công bằng DF-26, Mỹ nhất quyết phải chờ tên lửa nổ mới trả đũa: Vì sao? - Ảnh 2.

Tên lửa DF-26 trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: CCTV

Mỹ cũng có lực lượng răn đe trên biển với khả năng sống sót cao, và nhiều đầu đạn hạt nhân hơn [ở mức đáng kể] so với Trung Quốc. Bắc Kinh gần như không thể tước hết vũ khí của Mỹ trong một cuộc tấn công phủ đầu. Ngay cả khi các nhà lãnh đạo Washington tin chắc rằng Trung Quốc đang tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ, họ sẽ không cần phải trả đũa ngay lập tức nếu tự tin về năng lực phản công của Washington.

Ngoài ra, các mục tiêu đặc biệt dễ bị tổn hại trong cuộc tấn công phủ đầu có thể được sơ tán hoặc phân tán để tránh bị phá hủy. Ví dụ, Mỹ có thể xuất kích máy bay ném bom chiến lược mang vũ khí hạt nhân ngay lập tức, để tránh cho chúng bị thiệt hại trên mặt đất. Các biện pháp này cũng có thể giúp đảm bảo rằng Mỹ không phải tung đòn trả đũa ngay lập tức ngay cả khi bị đe dọa, giảm khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân vô tình.

Trung Quốc đáp trả cuộc tấn công của Mỹ

Một số chuyên gia đưa ra các kịch bản khác, trong đó Mỹ sẽ bắn vũ khí thông thường vào các bệ phóng DF-26 của Trung Quốc trong nỗ lực nhằm vô hiệu hóa cuộc tấn công bằng đầu đạn thông thường của Bắc Kinh vào Guam.

Trung Quốc có thể coi đó là mối đe dọa trực tiếp đối với năng lực răn đe hạt nhân của họ. Điều đó có thể khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc tung ra đòn hạt nhân trả đũa với tâm lý "dùng nó hoặc mất nó".

Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn sẽ thấy ý tưởng này chưa thật chặt chẽ.

Đầu tiên, Trung Quốc không dựa vào DF-26 để răn đe hạt nhân. Tên lửa tầm trung này được đánh giá là ít quan trọng hơn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), chẳng hạn như DF-41, trong việc duy trì khả năng răn đe đáng tin cậy chống lại Mỹ.

Điều này thể hiện qua số lượng đầu đạn hạt nhân được triển khai với từng loại tên lửa. Mặc dù vẫn chưa xác định được chính xác số lượng đầu đạn hạt nhân được phân bổ cho các đơn vị DF-26 nhưng người ta ước tính rằng Trung Quốc mới chỉ triển khai 60 trên tổng số 350 đầu đạn cho lực lượng tên lửa tầm trung.

Do đó, Bắc Kinh sẽ không lo lắng về mức độ tin cậy trong năng lực răn đe hạt nhân đối với Mỹ, miễn là các ICBM của họ vẫn còn tồn tại và hiệu quả.

Nếu Trung Quốc tấn công bằng DF-26, Mỹ nhất quyết phải chờ tên lửa nổ mới trả đũa: Vì sao? - Ảnh 3.

Hình ảnh tên lửa DF-26 xuất hiện trên một chương trình của kênh truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Ảnh: CCTV

Thứ hai, các đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc được triển khai tách biệt với các hệ thống phóng. Chúng được cất giữ trong các căn cứ dưới lòng đất và chỉ được chuyển tới các hệ thống phóng khi chuẩn bị cho một cuộc tấn công.

Những đầu đạn này cũng có thể được phân tán và ẩn bên trong các tổ hợp lớn dưới lòng đất để tránh bị phá hủy trong cuộc tấn công phủ đầu.

Một cuộc tấn công thông thường nhằm vào các phương tiện phóng khó có thể làm hỏng những đầu đạn hạt nhân được cất giữ dưới lòng đất.

Trong trường hợp xấu nhất – một số lượng nhỏ đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc bị phá hủy trong cuộc tấn công thông thường của Mỹ - thì năng lực răn đe hạt nhân của Trung Quốc vẫn sẽ ở mức đáng tin cậy nếu nó có thể gây ra những tổn thất không thể chấp nhận được cho Mỹ trong một cuộc trao đổi hỏa lực hạt nhân.

Cuối cùng, khó có khả năng Mỹ vô tình bắn trúng các bệ phóng ICBM của Trung Quốc khi tìm cách bắn các bệ phóng tên lửa DF-26. Lữ đoàn DF-26 tách biệt với các lữ đoàn tên lửa khác của Trung Quốc. Những ICBM như DF-31 và DF-41 cũng lớn hơn nhiều so với DF-26. Chúng không dùng cùng một phương tiện phóng nên việc xác định mục tiêu có thể trở nên dễ dàng hơn.

Cũng khó có khả năng Trung Quốc cố tình ngụy trang các bệ phóng ICBM của mình thành bệ phóng tên lửa tầm trung, vì họ biết rằng Mỹ có thể sẽ nhắm mục tiêu vào những bệ phóng này trong một cuộc xung đột thông thường.

Trong tình huống tồi tệ nhất, nếu Mỹ vô tình bắn trúng các ICBM của Trung Quốc thì cuộc tấn công ngẫu nhiên này cũng không đủ lớn để vô hiệu hóa tất cả các phương tiện trả đũa của Trung Quốc ngay lập tức. Các tên lửa phóng từ silo và tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc cũng vẫn sống sót. Do đó, họ không cần phải tung đòn hạt nhân trả đũa ngay lập tức.

Nói tóm lại, DF-26 không tạo thêm bất ổn trong mối quan hệ răn đe hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ. Việc phát động các cuộc tấn công thông thường bằng/chống lại những tên lửa này khó có khả năng dẫn tới leo thang hạt nhân giữa Mỹ-Trung.

Tính chất lưỡng dụng của DF-26 cũng không có khả năng làm thay đổi đáng kể tính toán chiến lược của Mỹ khi họ cân nhắc một cuộc tấn công thông thường nhằm vào các bệ phóng của loại tên lửa này.

Ý nghĩa của sự mơ hồ

Một câu hỏi được đặt ra là, nếu sự mơ hồ về DF-26 không có khả năng kích động một cuộc chiến tranh hạt nhân, vậy thì tại sao Trung Quốc lại phát triển loại tên lửa có khả năng kép (mang 2 loại đầu đạn và thay thế dễ dàng). Lợi ích chiến lược khi sử dụng hệ thống kép này là gì, trong khi Bắc Kinh có thể dễ dàng phát triển 2 biến thể của cùng một tên lửa?

Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang cố tình tạo ra sự mơ hồ vì lợi ích của mình. Tuy nhiên, như đã xác định ở trên, rủi ro leo thang khi tấn công các bệ phóng DF-26 là tương đối thấp, do đó, lợi ích của sự mơ hồ này vẫn còn nhiều nghi vấn.

Câu trả lời hợp lý hơn có thể là vấn đề chi phí. Thay vì xây dựng các nền tảng tấn công hạt nhân chuyên dụng (với ít cơ hộ sử dụng hơn), nền tảng kép sẽ cho phép Trung Quốc mở rộng cả năng lực hạt nhân và năng lực răn đe thông thường với cùng một hệ thống.

Chi phí hoạt động có thể được giảm xuống, các cơ sở bảo dưỡng cho cả phương tiện phóng và tên lửa có thể được dùng chung để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí. Điều này sẽ cho phép Bắc Kinh mở rộng cả lực lượng hạt nhân và thông thường với ngân sách hạn chế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại