Su-35 bị bắn hạ - Cú sốc cho Trung Quốc
Trung Quốc gần đây đã nhận được một tin tức gây choáng váng khi mẫu máy bay chiến đấu mạnh nhất của Nga, và hiện cũng đang phục vụ Không quân Trung Quốc (PLAAF), đã bị bắn hạ ở Ukraine.
Cách đây vài ngày, một đoạn video ghi lại khoảnh khắc chiếc Su-35 như "quả cầu lửa" lao xuống từ bầu trời đã được chia sẻ trên internet. Sau đó, những bức ảnh về chiếc Flanker cháy đen cũng xuất hiện trên mạng xã hội.
Theo tờ EurAsian Times, xét tới việc PLAAF đang sở hữu phi đội máy bay chiến đấu Su-35 lớn nhất thế giới, chỉ sau Nga, vụ việc này được xem là một cú sốc với Bắc Kinh. Năm 2015, Trung Quốc đã ký hợp đồng trị giá hơn 2 tỷ USD để mua 24 máy bay chiến đấu Su-35 từ Nga.
Tờ SCMP dẫn lời nhà phân tích quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh nhận định rằng chiếc máy bay "dường như đã lao xuống từ độ cao rất thấp", dưa trên các bức ảnh chụp mảnh vỡ.
"Máy bay có thể đang trên đường trở về căn cứ sau khi thực hiện một nhiệm vụ tấn công mặt đất và ngọn lửa có khả năng bốc cháy từ số nhiên liệu còn sót lại mà nó mang theo. Các loại vũ khí phòng không và tên lửa phòng không di động như Stinger và Starstreak sẽ có nhiều khả năng tấn công máy bay chiến đấu hơn nếu nó bay ở độ cao thấp" – Ông Zhou nói.
Các mảnh vỡ đang bốc cháy của chiếc Su-35 mà Ukraine tuyên bố bắn hạ gần Kharkiv. Ảnh: Reuters
Máy bay chiến đấu Su-35 thừa hưởng khả năng hoạt động tầm xa, tải trọng vũ khí và khả năng không chiến mạnh mẽ của Su-27. Nó được xem là máy bay phản lực tốt nhất dành cho các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không.
Su-35 hiện là máy bay chiến đấu mạnh nhất của PLAAF, vì tiêm kích tàng hình J-20 do Trung Quốc tự sản xuất khó có thể trở thành máy bay phản lực có khả năng hoạt động đầy đủ, dù đã đạt được một số tiêu chí trong số này.
Su-35 là một thành phần thiết yếu trong hàng ngũ PLAAF, do vậy, các nhà phân tích quân sự Trung Quốc dường như đang điều tra các tình huống xung quanh vụ việc.
Trong khi đó, Đài Loan đang theo dõi sát sao các loại vũ khí mà Ukraine sử dụng để chống lại Nga, và tên lửa phòng không là một phần quan trọng trong số đó. Song Zhongping, một cựu huấn luyện viên của PLA, trước đây đã nhấn mạnh về hiệu quả của các loại vũ khí này. Ông cho biết khí tài này có ưu điểm là dễ dàng che giấu và có khả năng tấn công các mục tiêu cỡ lớn.
Theo ông Song, đây chắc chắn sẽ là một trong những thách thức đáng kể đối với PLA trong các cuộc giao tranh trên đường phố đô thị khi Trung Quốc quyết định dùng vũ lực với Đài Loan.
Việc quân đội Ukraine bắn rơi Su-35 đã trở thành vấn đề đáng lo ngại hơn cả với Bắc Kinh khi Đài Loan được cho là đã thành lập một nhóm chuyên gia để nghiên cứu các chiến thuật đang được sử dụng ở Ukraine.
Ông Zhou cũng suy đoán rằng chiếc Su-35 của Nga ở Ukraine có thể đã gặp lỗi kỹ thuật. "Để rút kinh nghiệm, lực lượng Không quân Trung Quốc sẽ phải xác định cẩn thận các vấn đề kỹ thuật cơ khí tiềm ẩn với Su-35 và cải thiện công tác bảo trì".
Trung Quốc hiện có 24 máy bay chiến đấu Su-35 mua từ Nga. Ảnh: Wiki
Thành phần thiết yếu của Không quân Trung Quốc
EurAsian Times cho hay, Su-35 được xem là một thành phần chủ lực của Trung Quốc trên Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan. 24 chiếc Su-35 mà Trung Quốc mua từ Nga được cho là sẽ đóng quân tại các địa điểm ở miền nam Trung Quốc, nhằm mở rộng sức mạnh không quân của nước này ra Biển Đông. Điều đó thể hiện sự phụ thuộc của Trung Quốc vào loại máy bay chiến đấu này của Nga.
Việc Trung Quốc lựa chọn triển khai Su-35 tại một địa điểm quan trọng như vậy có thể dựa trên quan điểm cho rằng Su-35 có thể vượt trội hơn và cơ động hơn các tiêm kích thế hệ 4 của Mỹ.
Một trong những lý do khiến Trung Quốc mua các máy bay phản lực này là vì sự hấp dẫn của động cơ vector lực đẩy.
Năm ngoái, Giám đốc cơ quan Liên bang về hợp tác kỹ thuật-quân sự Dmitry Shugaev nói với các phóng viên rằng, Nga sẵn sàng bán thêm Su-35 cho Trung Quốc nếu Bắc Kinh có nhu cầu. Tuy nhiên, với những gì vừa diễn ra, khả năng này khá thấp.
PLAAF vẫn chưa đặt hàng thêm bất cứ chiếc Su-35 nào. Trong khi đó, Bắc Kinh bắt đầu sản xuất hàng loạt J-16, một phiên bản sao chép Su-27, với hệ thống điện tử hàng không hiện đại hơn do Trung Quốc phát triển.