Bí mật vỡ lở vì bán tàu ngầm cho Thái Lan: Trung Quốc kì kèo, liền bị giội ngay nước lạnh

Vy Lam |

Việc Trung Quốc xuất khẩu tàu ngầm sang Thái Lan đã khiến tin tức lan rộng. Đây là nguyên nhân khiến chính phủ Đức tuyên bố "Không, chúng tôi không cho phép điều đó!".

Tình huống trớ trêu

Tuần trước, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cảnh báo rằng, thỏa thuận mua tàu ngầm của Trung Quốc có thể phải gác lại nếu Bắc Kinh không đáp ứng được mẫu động cơ dùng cho các tàu này theo quy định trong thỏa thuận mua bán.

"Chúng ta sẽ làm gì với một tàu ngầm không có động cơ? Tại sao chúng ta lại mua nó?" - Ông Prayut trả lời câu hỏi của các nhà báo sau khi Đức từ chối cung cấp động cơ diesel MTU396 cho Trung Quốc để trang bị trên các tàu ngầm lớp Yuan S26T chế tạo cho Hải quân Thái Lan.

Khi được hỏi liệu chính phủ Thái Lan có chấm dứt hợp đồng hay không, ông Prayut cho biết vấn đề sẽ được các cơ quan liên quan xem xét và tuân theo quy trình mua sắm. Thủ tướng không cần can thiệp vào mọi giai đoạn của quy trình.

Trước đó, theo các điều khoản của thỏa thuận, China Shipbuilding & Offshore International Co (CSOC) – Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc – sẽ chịu trách nhiệm đóng và cung cấp 3 biến thể xuất khẩu của tàu ngầm lớp Yuan Type 039B, gọi là S26T, cho Thái Lan với tổng chi phí lên tới 1.16 tỷ USD.

Bí mật vỡ lở vì bán tàu ngầm cho Thái Lan: Trung Quốc kì kèo, liền bị giội ngay nước lạnh - Ảnh 1.

Mô hình tàu ngầm tàu ngầm S26T trưng bày tại một triển lãm ở Bangkok năm 2017. Ảnh: Navy Recognition

Theo các điều khoản của thỏa thuận, động cơ dành cho các tàu ngầm S26T sẽ do công ty Motoren-und Turbinen-Union (MTU) của Đức cung cấp. Tuy nhiên, hiện MTU không được phép làm điều đó do lệnh cấm vận, các động cơ này được xem là một mặt hàng quân sự/quốc phòng. Năm 1989, EU đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn.

"Việc xuất khẩu động cơ bị từ chối vì chúng dự kiến được sử dụng cho một mặt hàng của ngành quân sự/quốc phòng Trung Quốc" – Tùy viên quốc phòng Đức tại Thái Lan Philipp Doert nói với tờ Bangkok Post.

"Trung Quốc đã không hỏi ý kiến/phối hợp với Đức trước khi ký hợp đồng với Thái Lan để cung cấp động cơ MTU của Đức như một phần sản phẩm của họ" – Ông Doert nhấn mạnh.

Một trong những điểm yếu lớn của ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc là kỹ thuật động cơ đẩy, phần lớn động cơ được sử dụng trên tàu ngầm Trung Quốc là công nghệ nước ngoài.

Hiện nay, cả tàu ngầm tấn công lớp Song và lớp Yuan [chiếm phần lớn trong hạm đội tàu ngầm thông thường của Trung Quốc] đều được trang bi động cơ diesel dòng MTU 396 SE84 hiện đại do Đức sản xuất.

Bí mật vỡ lở vì bán tàu ngầm cho Thái Lan: Trung Quốc kì kèo, liền bị giội ngay nước lạnh - Ảnh 2.

Các tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Song của Trung Quốc. Ảnh: Bangkok Post

Trong hội nghị năm 2015 bàn về năng lực của Hải quân Trung Quốc tại Đại học Chiến tranh Hàng hải Mỹ, Giáo sư Andrew Erickson, Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (CMSI), lưu ý rằng tại Trung Quốc, kỹ thuật động cơ đẩy vẫn là một chương trình đang trong quá trình phát triển của lực lượng dưới mặt nước.

Việc sản xuất động cơ hiện đại đòi hỏi rất nhiều về mặt công nghệ, những thiếu sót nhỏ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Chỉ một số ít các nhà sản xuất trên thế giới, như MTU của Đức, có đủ chuyên môn kỹ thuật cần thiết để chế tạo động cơ diesel như vậy.

"Họ là hãng chế tạo động cơ diesel cho tàu ngầm hàng đầu thế giới" – Một kỹ sư tàu ngầm giàu kinh nghiệm nói về MTU.

Bí mật vỡ lở, Trung Quốc đòi sửa đổi hợp đồng

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), MTU đã cung cấp hơn 100 động cơ cho các tàu khu trục và tàu ngầm của Trung Quốc từ năm 1993-2020, bất chấp lệnh cấm vận vũ khí của EU.

Phóng viên Jon Grevatt chuyên về mảng công nghiệp quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương trên tạp chí Janes cho biết, những động cơ này thuộc mặt hàng lưỡng dụng không có trong lệnh cấm thương mại của EU áp đặt lên Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh bán tàu ngầm cho Thái Lan khiến thỏa thuận này trở nên khó khăn hơn.

"Nếu mẫu tàu ngầm này không được xuất khẩu sang Thái Lan, sẽ không ai biết gì và mọi thứ vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, thực tế là nó đang được xuất khẩu, tin tức đã lan rộng, đây cũng là nguyên nhân khiến chính phủ Đức phải ra tuyên bố ‘Không, chúng tôi không cho phép điều đó’" – Grevatt cho hay.

Ngày 2/4, Tư lệnh Hải quân Thái Lan - Đô đốc Somprasong Nilsamai cho biết, không có thay đổi nào đối với hợp đồng tàu ngầm và khẳng định rằng Trung Quốc sẽ phải tuân thủ thỏa thuận giữa hai phía.

Trong khi đó, phát ngôn viên Hải quân Thái Lan - Phó Đô đốc Pokkrong Monthatphalin cho biết, Hải quân Thái Lan sẽ tổ chức các cuộc đàm phán với CSOC trong tháng này để giải quyết vấn đề, dù họ vẫn bám sát các quy định của thỏa thuận mua bán.

CSOC đã đề nghị Hải quân Thái Lan thay đổi hợp đồng để thay thế động cơ của Đức bằng động cơ MWM 620 do Trung Quốc sản xuất. Hai mẫu động cơ này được chế tạo dựa trên cùng một tiêu chuẩn, tuy nhiên, Thái Lan nhất quyết muốn giữ nguyên hợp đồng ban đầu.

"Động cơ MWM 620 vẫn chưa chứng minh được hiệu quả rõ ràng, vì thế, Hải quân Hoàng gia Thái Lan vẫn đang chờ câu trả lời từ CSOC để đảm bảo mẫu động cơ này hoạt động tốt như MTU" - Chuẩn đô đốc Apichai Sompolgrunk phụ trách chương trình mua sắm nói với VOA.

Phóng viên Grevatt cho biết, CSOC sẽ gặp khó khăn trong việc thay thế động cơ MTU và Thái Lan sẽ có hai lựa chọn: Tìm cách mua động cơ MTU hoặc chờ xem Trung Quốc có thể tự sản xuất mẫu động cơ này hay không.

Một số báo cáo cho biết, đã có một hãng sản xuất Trung Quốc có được giấy phép chế tạo động cơ diesel MTU 396.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại