Úc bất ngờ nhận cảnh báo 'lạnh sống lưng' về tên lửa Trung Quốc

Vy Lam |

Trước đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc từng gây sửng sốt khi đe dọa tấn công tên lửa vào Australia.

Mối đe dọa nghiêm trọng

Theo nghiên cứu mới của một tổ chức tư vấn Australia, Hải quân Australia không thể ngăn chặn tên lửa chống hạm Trung Quốc do thiếu các hệ thống phòng thủ chống lại các đợt tấn công ồ ạt của loại tên lửa này.

"Australia phải đối mặt với một tương lai ảm đạm, cơ hội để triển khai các biện pháp đối phó hiệu quả đang nhanh chóng khép lại" – Báo cáo của Viện chính sách chiến lược Australia (ASPI) cảnh báo.

Nhiều mối đe dọa trong số này cũng gây lo ngại cho Hải quân Mỹ và những quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ tiềm tàng từ các loại vũ khí chống hạm của Trung Quốc.

Bắc Kinh hiện trang bị nhiều loại tên lửa chống tàu, ví dụ như tên lửa siêu thanh YJ-18 triển khai từ tàu chiến và YJ-83K phóng từ trên không. Loại đặc biệt nguy hiểm là tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh YJ-12 (ASCM) của Trung Quốc, với tầm bắn ước tính lên tới 537km và tốc độ Mach 3.

Úc bất ngờ nhận cảnh báo lạnh sống lưng về tên lửa Trung Quốc - Ảnh 1.

Tên lửa chống hạm YJ-12 của Trung Quốc. Ảnh: Asia Times

YJ-12 có thể được phóng từ máy bay và tàu chiến, cũng như từ các tổ hợp phòng thủ ven biển. Điều đó mang lại cho Trung Quốc khả năng tiêu diệt tàu chiến và tàu buôn, trong khi vẫn an toàn ngoài phạm vi phòng thủ của đối phương.

Đáng nói, trong khi các hệ thống phòng thủ vốn được thiết kế để tập trung vào việc phát hiện và bắn hạ tên lửa, thì nghiên cứu của ASPI chỉ ra một vấn đề: Các tàu của Australia sẽ hết tên lửa đánh chặn trước khi Trung Quốc cạn tên lửa chống hạm.

"Mối đe dọa từ ASCM của PLA rất lớn bởi các tàu chiến mặt nước hiện nay của Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) chỉ có số lượng tên lửa phòng không hạn chế, ngay cả những tàu dự định triển khai vào năm 2033 cũng vẫn chưa khắc phục được tình trạng thiếu các ống phóng thẳng đứng [phục vụ việc bắn tên lửa] trên tàu" – ASPI cho hay.

8 khinh hạm lớp Anzac của Australia chỉ có 8 ống phóng thẳng đứng Mk 41 (do Mỹ thiết kế) trên mỗi tàu, mỗi ống chỉ triển khai được 4 tên lửa tầm ngắn Evolved Sea Sparrow dùng để đánh chặn máy bay hoặc tên lửa chống hạm.

Các khinh hạm Anzac dự kiến sẽ duy trì hoạt động cho đến năm 2044, khi các khinh hạm lớp Hunter thế hệ mới được đưa vào hoạt động.

Chỉ có 3 tàu khu trục lớp Hobart của Australia, với năng lực mạnh mẽ hơn trang bị tên lửa tầm xa SM-6.

"Một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Hobart có 48 ống phóng Mk-41 với 48 tên lửa tầm xa SM-6. Nếu đội hình tấn công của Hải quân Trung Quốc gồm 8 máy bay ném bom H-6J (mỗi chiếc mang 6 tên lửa YJ-12) thì họ sẽ làm cạn kiệt toàn bộ số tên lửa đánh chặn trên tàu Hobart. Thậm chí, đó là trong trường hợp giả định tỷ lệ đánh chặn thành công của SM-6 là 100%" – ASPI cảnh báo.

Úc bất ngờ nhận cảnh báo lạnh sống lưng về tên lửa Trung Quốc - Ảnh 2.

Tàu khu trục HMAS Hobart của Australia. Ảnh: Wiki

"Ngoài ra, có khả năng các tàu khu trục Hobart sẽ sử dụng hệ thống phòng thủ nhiều lớp với 32 tên lửa SM-2/SM-6 và 64 tên lửa ESSM.

Lựa chọn này sẽ cho phép đánh chặn mỗi tên lửa chống hạm của Trung Quốc bằng 1 tên lửa SM-2/SM-6 kèm theo 2 tên lửa ESSM bổ trợ để đảm bảo tỷ lệ thành công. Trên lý thuyết, trong trường hợp đó, mỗi tàu Hobart chỉ có thể chống lại 32 tên lửa chống hạm của Trung Quốc, và như thế, Bắc Kinh chỉ cần triển khai 6 máy bay ném bom H-6J mang theo 36 tên lửa YJ-12" – Báo cáo của ASPI phân tích.

Ngay cả các tàu lớp Hunter mới của Australia [dự kiến triển khai năm 2033] cũng chỉ có 32 ống phóng thẳng đứng. Theo ASPI, "điều này có nghĩa là hạm đội tác chiến mặt nước của Hải quân Australia sẽ không thể triển khai các loại vũ khí phòng không, chống ngầm, chống hạm và tấn công mục tiêu mặt đất với số lượng đáng kể".

Giải pháp nào cho Australia?

Trong bối cảnh trên, ASPI đề cập tới một số giải pháp cho Hải quân Australia. Cụ thể, trong ngắn hạn, các tàu chiến của Hải quân Australia có thể lựa chọn thay thế các tên lửa SM-6 với kích cỡ lớn bằng các tên lửa Rolling Airframe Missile (RAM) với số lượng lớn hơn, trang bị hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx, tên lửa RIM-162 Evolved Sea Sparrow mới.

Điều đó sẽ cho phép Australia bố trí một lượng hỏa lực khổng lồ để chống lại các đợt tấn công ồ ạt của tên lửa chống hạm.

Giải pháp lâu dài hơn sẽ là mua sắm các tàu phòng không đã chứng minh hiệu quả như tàu khu trục lớp Arleigh của Mỹ trang bị hệ thống phòng thủ Aegis, hoặc các tàu robot trang bị cảm biến [để mở rộng phạm vi phát hiện tên lửa]/ống phóng thẳng đứng để bắn tên lửa đánh chặn.

Tuy nhiên, với lỗ hổng lịch sử trong việc phòng thủ tên lửa [phóng tên lửa tấn công thường dễ dàng và có chi phí rẻ hơn là đánh chặn chúng] thì giải pháp tối ưu đối với Australia sẽ là phá hủy tên lửa trước khi chúng được phóng đi.

Theo ASPI, Australia cso thể phát triển năng lực tấn công tầm xa, như tác chiến mạng hay vũ khí chống vệ tinh – để phá vỡ chuỗi tiêu diệt "từ cảm biến đến vũ khí" của Trung Quốc.

"Mục tiêu phá vỡ chuỗi tiêu diệt ASCM của PLA cũng có thể đạt được thông qua việc mua máy bay ném bom tàng hình tầm xa B-21 Raider từ Mỹ [hiện đang trong quá trình phát triển]" – ASPI khuyến cáo, đồng thời cho rằng Australia nên xây dựng một phi đoàn với khoảng 30 chiếc B-21 Raider.

Úc bất ngờ nhận cảnh báo lạnh sống lưng về tên lửa Trung Quốc - Ảnh 3.

Đồ họa máy bay ném bom B-21 Raider. Ảnh: Asia Times

Tuy nhiên, báo cáo của ASPI chưa đề cập rõ ràng tới việc Australia sẽ chi trả như thế nào cho 30 chiếc B-21, với mức giá ước tính lên tới hơn 2 tỷ USD/chiếc. Toàn bộ ngân sách quốc phòng năm 2022 của Australia mới dừng ở con số 36 tỷ USD.

Điều này cho thấy vấn đề tương đối lớn đối với một quốc gia như Australia khi tính tới nguy cơ chiến tranh với Trung Quốc. Quân đội của Australia, được đào tạo bài bản và trang bị vũ khí công nghệ cao – có thể được giao nhiệm vụ quan trọng, chẳng hạn như các hoạt động chung với Mỹ và một số quốc gia đồng minh khác nhằm bảo vệ các tuyến đường thương mại trước mối đe dọa từ Trung Quốc.

Song, tương tự như Vương quốc Anh, Australia không có đủ nguồn lực phát triển hoặc có được số lượng lớn vũ khí tinh vi để giao tranh với một quân đội có quy mô lớn hơn nhiều như quân đội Trung Quốc. Trong tình huống xung đột trực diện với Australia, Trung Quốc sẽ có lợi thế hơn.

Truyền thông Trung Quốc từng đe dọa tấn công tên lửa Australia

Tháng 5/2021, Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu - một tờ báo có quan điểm diều hâu của Trung Quốc - đã đưa ra lời đe dọa gây sửng sốt trên tài khoản Twitter: "Tôi tin rằng khi quân đội Australia đến eo biển Đài Loan nhằm chống lại PLA (Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc), thì khả năng cao tên lửa sẽ bay về phía các căn cứ quân sự và các cơ sở liên quan quan trọng trên đất Austrralia".

Cảnh báo này được đưa ra sau một bài xã luận trước đó mà ông Hồ Tích Tiến - người được cho là có tư tưởng dân tộc cực đoan trong giới truyền thông Trung Quốc - đăng trên tờ Thời báo Hoàn Cầu có tiêu đề "Trung Quốc cần lập kế hoạch ngăn chặn các lực lượng cực đoan của Australia".

Theo tạp chí Diplomat, đây dường như là lời đe dọa công khai đầu tiên (và ở mức khá cao cấp) của Trung Quốc về hành động quân sự chống lại Australia, do Thời báo Hoàn Cầu - ấn phẩm phụ của tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra. Và cũng không đơn giản khi ông Hồ Tích Tiến lại có những phát ngôn công kích đe dọa Australia trên mạng xã hội Twitter – vốn phổ biến với người dùng phương Tây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại