Đừng vin vào bất kì lý do nào để biện minh cho việc bạn kết thúc bữa ăn trong chưa đầy 10 phút.
Thực tế không thể phủ nhận là bạn đã ăn quá nhanh, tức là sau hành động đưa thức ăn vào miệng, bạn đã nhai một cách nhanh chóng và nuốt.
Bạn có biết rằng, cho dù vì bất kì lý do gì thì việc ăn quá nhanh trong khi không nhai kĩ vẫn cực kì có hại cho sức khỏe và cơ thể.
Ăn quá nhanh: Thủ phạm gây rối loạn tiêu hóa, béo phì...
Bác sĩ Amanda Foti, một chuyên gia dinh dưỡng cao cấp tại Selvera Weight Management Program chia sẻ với tạp chí Self: "Từ nhiều năm, các chuyên gia dinh dưỡng vẫn đưa ra lời khuyên mọi người nên ăn chậm lại và điều này có lý do của nó.
Đáng kể đến trước tiên, ăn quá nhanh có thể gây ra những khó chịu nghiêm trọng như khó tiêu, thậm chí trào ngược axit.
Cắn miếng quá to và nhai quá nhanh khiến cho nước bọt và các enzym không kịp tiết ra để bôi trơn và phân hủy thức ăn thành các hạt nhỏ hơn trước khi vào dạ dày.
Ăn nhanh cũng khiến bạn nuốt nhiều không khí vào trong bụng, từ đó gây đầy hơi, chướng bụng".
Vấn đề lớn nhất với việc ăn quá nhanh là nó thực sự là nguyên nhân khiến bạn ăn nhiều hơn vì có như vậy bạn mới cảm thấy thỏa mãn. Khi thức ăn vào miệng, cơ thể bạn sẽ giải phóng các tín hiệu để chuẩn bị tiêu hóa thực phẩm.
Khi đã ăn no, đường ruột sẽ gửi tín hiệu đến não để biết đã đến lúc dừng lại. "Ăn quá nhanh sẽ làm bạn bỏ lỡ những tín hiệu.
Nếu ăn chậm một chút, não bộ sẽ có đủ thời gian để nhận và phát đi tín hiệu để bạn biết và dừng ăn khi đã no", bà Foti nói.
Một số nghiên cứu (dù nhỏ) trước đây cũng đã tìm thấy một kết nối giữa việc ăn nhanh và nguy cơ bị béo phì, tiểu đường týp 2 tăng lên. Nghiên cứu cũng cho thấy những người ăn chậm tiêu thụ lượng calo ít và cảm thấy no lâu hơn.
Trong nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng phụ nữ tuổi từ 40-50 người ăn nhanh có nhiều khả năng bị béo phì hơn so với những người ăn chậm.
Một nghiên cứu khác của các nhà nghiên cứu tại Đại học Osaka (Nhật Bản) cũng thừa nhận điều này.
Các nhà nghiên cứu theo dõi thói quen ăn uống của 3.000 người và phát hiện ra rằng những người đàn ông có thói quen ăn nhanh có khả năng bị thừa cân cao hơn tới 84% so với những người ăn chậm, con số này ở phụ nữ là 50%.
Theo giải thích của Ian McDonald, giáo sư sinh lý chuyển hóa tại Đại học Nottingham thì: Khi ăn, các dây thần kinh gửi đến não những tín hiệu cho biết dạ dày đang mở rộng.
Đồng thời ghrelin (hormone sản sinh khi cơ thể rơi vào trạng thái đói) bắt đầu giảm đi.
Sau khoảng 20 phút từ lúc bắt đầu ăn, một thông điệp được gửi đến não để biết là đã đến lúc dừng ăn. Nếu bạn ăn quá nhanh, khi thông điệp được gửi đến não thì có thể bạn đã ăn quá nhiều.
Tiến sĩ David Forecast, chuyên gia tư vấn tại bệnh viện St Mark’s Hospital (London) khuyên bạn nên dành ít nhất 20 phút cho bữa ăn hoặc thỉnh thoảng đứng lên trong lúc đang ăn để biết mình đã no hay chưa.
Làm cách nào để ăn chậm lại?
Nhưng làm thế nào để bạn ăn chậm đi trong khi bạn vốn có thói quen ăn nhanh? Dưới đây là những hướng dẫn giúp bạn làm điều đó:
- Ăn trong suốt cả ngày: Theo bà Foti: "Điều này liên quan đến một chút về kế hoạch, nhưng được cho là bước quan trọng nhất.
Hãy chắc chắn rằng bạn ăn các bữa chính và ăn nhẹ suốt cả ngày với sự cân bằng lành mạnh về protein, chất xơ và chất béo.
Không bao giờ để khoảng 3-4 giờ mà không ăn gì vì như thế bạn sẽ đói và ăn rất nhanh sau đó. Bạn cần ăn như vậy để kiểm soát cơn đói tốt hơn".
- Tránh ăn trên đường đi: Vừa đi vừa ăn cũng khiến cơ thể phát ra các tín hiệu không chuẩn nên bạn cũng khó biết khi nào mình no.
Hơn nữa, ăn vội vàng như vậy còn có thể dẫn đến khả năng bạn ăn những thực phẩm ít dinh dưỡng. Tốt nhất, nên dành tâm trí bạn hoàn toàn cho việc ăn uống để việc phát và nhận các tín hiệu không bị gián đoạn.
- Tránh bị phiền nhiễu trong khi ăn: Điều đó có nghĩa là không xem truyền hình, điện thoại di động hay lướt mạng xã hội, làm việc trên máy tính... trong khi đang ăn.
Những việc làm này có thể làm bạn bối rối và ngăn cản sự phối hợp ăn ý giữa cơ thể và bộ não.
"Hãy dành thời gian dù chỉ là 15 phút để ngồi trong một khu vực yên tĩnh, hoặc thậm chí ngay tại bàn của bạn mà không có màn hình máy tính để thưởng thức bữa ăn của bạn", bà Foti gợi ý.
- Sử dụng giác quan của bạn: Mỗi khi cắn hoặc đưa thực phẩm và miệng, hãy tập trung vào mùi vị của món ăn, âm thanh bạn nhai thức ăn và cảm nhận. "Ăn uống phải là một quá trình thú vị.
Tập trung tất cả các giác quan của bạn trong quá trình này sẽ giúp bạn ăn chậm và thưởng thức món ăn tốt hơn", bà Foti đưa ra lời khuyên.
(Nguồn: Self, DailyMail, Bustl)