Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết trong 4 ngày nghỉ lễ, các cơ sở y tế thuộc TP Hà Nội ghi nhận hơn 850 bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, nâng tổng số ca bệnh đang điều trị lên gần 1.300 ca.
Đến hết tháng 8, TP Hà Nội ghi nhận gần 6.700 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022). CDC Hà Nội dự báo đỉnh dịch năm 2023 sẽ rơi vào tháng 9, 10, với số mắc có thể gấp 3 lần so với thời điểm này.
Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bạch Mai
Đến nay, TP Hà Nội đã ghi nhận ít nhất 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết. Một trường hợp là nam thanh niên 19 tuổi ở quận Hà Đông, ca thứ 2 là người phụ nữ 45 tuổi ở quận Hoàn Kiếm. Hai ca bệnh này đều diễn biến chuyển nặng rất nhanh.
Tại các cơ sở y tế hiện ghi nhận 35 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang được theo dõi, điều trị tích cực. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng tiểu cầu giảm sâu và nhanh, men gan tăng cao do dùng thuốc hạ sốt tại nhà không đúng cách.
Các bác sĩ cho biết sốt xuất huyết ở mức độ nhẹ có thể được chỉ định theo dõi tại nhà, song người bệnh vẫn cần đi khám để được chẩn đoán và đánh giá tình trạng bệnh.
Liên quan đến việc xét nghiệm sốt xuất huyết để đánh giá tình trạng giảm tiểu cầu, bác sĩ Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng Khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết khoảng thời gian ngày 3-7 là lúc bệnh chuyển biến nặng, vì thế nên đi xét nghiệm sốt xuất huyết vào ngày thứ 3 từ khi có sốt.
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường bắt đầu hạ sốt từ ngày thứ 3, dẫn tới tâm lý chủ quan vì nghĩ rằng hết sốt là đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, khoảng thời gian ngày 3-7 mới là lúc bệnh chuyển biến nặng. Ở thời kỳ này, virus Dengue làm hệ miễn dịch suy yếu dẫn đến biến chứng như xuất huyết dưới da, chảy máu cam…
Bác sĩ khuyến cáo nên đi xét nghiệm sốt xuất huyết vào ngày thứ 3 từ khi có sốt
Sốt xuất huyết giảm tiểu cầu nếu không điều trị kịp thời khiến sẽ bệnh nhân rơi vào nguy kịch. Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, đây là giai đoạn cần được theo dõi sát sao.
Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo bệnh nhân cần nhập viện khi có triệu chứng vật vã, lờ đờ, li bì, không ăn uống được, đau bụng, nôn, có triệu chứng xuất huyết trên da, xuất huyết niêm mạc...
Sốt xuất huyết có 4 chủng khác nhau là DEN – 1, DEN – 2, DEN – 3 và DEN – 4. Cả 4 chủng virus đều có khả năng gây bệnh nên nếu mắc chủng loại này rồi vẫn có thể mắc loại khác.