Được biết, nạn nhân là anh Nguyễn Văn K. (29 tuổi) trú tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh khi đang làm việc bất ngờ bị đá nặng rơi vào lưng khiến vùng ngực bụng đập mạnh vào thành máy.
Bệnh nhân lập tức được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả trong tình trạng da niêm mạc nhợt, mạch nhanh, huyết áp tụt 80/50 mmHg, cơn đau dữ dội lan khắp bụng.
Bệnh nhân nhanh chóng được hồi sức tích cực bằng dịch truyền cao phân tử và dự trù nguồn máu bổ sung.
Qua kết quả xét nghiệm và chụp CT, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đa chấn thương phức tạp, chấn thương bụng kín chảy máu trong ổ bụng, chấn thương ngực dập phổi, sốc mất nhiều máu.
Tiên lượng tình trạng vô cùng nguy kịch, các bác sĩ vừa tiến hành hồi sức, vừa nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên phòng mổ cấp cứu.
Kíp mổ do bác sĩ Trần Ngọc Hương – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả và bác sĩ Vũ Quang Trung – Phó Giám đốc trực tiếp thực hiện, phát hiện cả động mạch và tĩnh mạch mạc treo tràng trên đã bị tổn thương đứt rời làm gần 3000ml máu chảy tràn ổ bụng.
Nhận thấy huyết áp bệnh nhân ngày càng giảm, mất máu ngày càng nhiều, tổn thương lại phức tạp nên kíp mổ quyết định khâu thắt mạch cầm máu, truyền bổ sung lượng máu thiếu hụt, đồng thời khẩn cấp gọi điện nhờ sự trợ giúp từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Ngay sau khi nhận được thông tin, ThS.BS Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại của bệnh viện đã lập tức cùng kíp mạch máu xuống Cẩm Phả hỗ trợ.
Chỉ trong thời gian ngắn, các bác sĩ bệnh viện tỉnh đã có mặt tại phòng mổ, tiến hành kiểm tra tổn thương thấy đã mất đoạn động mạch mạc treo tràng trên đoạn sát eo tụy, tĩnh mạch bị rách, dập vỡ hai đoạn ruột non đang có dấu hiệu tím tái cần phải cắt bỏ do thiếu máu trầm trọng.
Đây là tổn thương rất phức tạp và phải xử lý ngay vì sau khoảng 6 giờ ruột sẽ hoại tử do thiếu máu, nguy cơ tử vong không thể tránh khỏi.
Trước tình trạng đoạn mạch bị mất khá dài không thể khâu nối trực tiếp nên phẫu thuật viên quyết định ghép đoạn mạch tự thân thay thế.
Các bác sĩ đã lấy tĩnh mạch hiển lớn đảo chiều từ vùng bẹn để ghép nối với động mạch mạc treo tràng trên, sau đó tiến hành khâu phục hồi vết rách tĩnh mạch.
Kiểm tra thấy miệng nối thông tốt, ruột hồng ấm trở lại, phẫu thuật viên tiếp tục cắt bỏ hai đoạn ruột non bị vỡ, nối lại và đặt ống dẫn lưu.
Sau 4 giờ phẫu thuật nỗ lực, căng thẳng ca phẫu thuật diễn ra thành công, mạch và huyết áp bệnh nhân ổn định và được chuyển chăm sóc hậu phẫu.
Phần động mạch mạc treo tràng trên bị đứt được nối bằng tĩnh mạch hiển đảo chiều.
Đây là trường hợp đa chấn thương phức tạp, dù tổn thương đã được xử trí nhưng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng người bệnh, bệnh viện đã chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để tiếp tục được theo dõi và điều trị đặc biệt, tránh những nguy cơ biến chứng có thể xảy ra, nhất là bị tắc miệng nối gây hoại tử hoặc thiếu máu nuôi ruột.
Phẫu thuật được các chuyên gia tuyến trung ương đánh giá thực hiện tốt, đến nay, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tích cực đã ăn uống được bình thường.
Bác sĩ Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Bệnh nhân K. bị đứt gốc động mạch mạc treo tràng trên do chấn thương là trường hợp khá hiếm gặp trong bệnh cảnh của chấn thương bụng.
Đây là tổn thương phức tạp có tỉ lệ tử vong rất cao do mất máu và hoại tử ruột.
Trong tình huống cấp cứu khẩn cấp, khâu thắt cầm máu là phương án cấp cứu tạm thời tốt nhất để Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả có thể duy trì sự sống và chờ sự hỗ trợ từ đơn vị có khả năng thực hiện phẫu thuật mạch.
Việc sử dụng mảnh ghép mạch tự thân là phương án tối ưu cho trường hợp bị mất một đoạn mạch, giúp bệnh nhân không phải dùng thuốc chống đông máu suốt đời nếu thay mạch nhân tạo, nhờ vậy chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau này sẽ tốt hơn”.
Đây là trường hợp tai nạn lao động bị đa chấn thương nguy hiểm và phức tạp, áp lực nặng nề về thời gian.
Chính vì vậy, việc phối hợp khẩn trương, nhịp nhàng giữa Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả và Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã giúp anh K. không mất thời gian di chuyển mà vẫn nhận được sự hỗ trợ chuyên môn nhanh chóng từ các bác sĩ tuyến trên, cứu bệnh nhân thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”, tạo thêm niềm tin cho người bệnh trên địa bàn, qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh xuyên suốt từ các đơn vị y tế tuyến dưới cho đến bệnh viện tuyến trên.