Năm sự kiện y tế lớn nhất 2022

TUỔI TRẺ ONLINE |

2022 là năm có nhiều "sóng gió" lớn nhất với lĩnh vực y tế, phần lớn đã tác động tiêu cực tới dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân, nhưng 2022 cũng là năm chúng ta khống chế hiệu quả dịch COVID-19 sau gần ba năm đại dịch.

Năm sự kiện y tế lớn nhất 2022 - Ảnh 1.

Người đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM

Cùng Tuổi Trẻ Online điểm lại những sự kiện này:

1. Khống chế thành công dịch COVID-19: Đây được coi là ấn tượng mạnh mẽ và lớn nhất trong năm. Nhớ lại từ Tết Nguyên đán tới tháng 3-2022, đã từng có thời điểm cả nước liên tục ghi nhận hàng chục ngàn ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày, các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 đều chật kín, chỉ tiếp nhận ca bệnh rất nặng, nhiều người tử vong.

Trong điều kiện đã mở cửa, cho phép du lịch, hàng không, học trực tiếp... trở lại, việc số mắc mới gia tăng (sau một năm 2021 rất nặng nề khi dịch làm hàng chục ngàn người tử vong) khiến nhiều người lo ngại, nhưng kinh nghiệm chống dịch dày dạn, hiệu quả của vắc xin và việc biến chủng mới làm ca mắc tăng nhanh nhưng tỉ lệ ca nặng có giảm giúp khống chế dịch.

Cho đến thời điểm này, mỗi ngày cả nước chỉ ghi nhận dưới 500 ca mắc COVID-19 mới, số ca tử vong thấp, cuộc sống hoàn toàn trở lại bình thường.

2. Thiếu thuốc men, thiết bị y tế : Tình trạng này đã kéo dài suốt năm qua và đặc biệt là từ tháng 6-2022, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh. Đến thời điểm này vẫn còn rất nhiều bệnh viện thiếu thủy tinh thể, vật tư, các thuốc điều trị bệnh hiếm...

Ngay gói thầu tập trung quốc gia đã hoàn tất đấu thầu xong từ tháng 8-2022 nhưng đến nay vẫn nhiều nhà thầu chưa có thuốc để cung cấp cho bệnh viện theo dự trù.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của các chính sách thiếu nhất quán: cho hay không cho liên doanh đặt thiết bị tại bệnh viện công, nếu cho phép thì thực hiện thế nào... đến nay vẫn chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng.

Trong các tháng 5-6, Bộ Y tế rồi Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sau đó là Bộ Tài chính liên tiếp có các văn bản cho phép/không cho phép việc đặt máy tại bệnh viện công, trong khi nguồn thiết bị thay thế chưa có, bệnh viện (thực chất là người bệnh) gặp khó khăn.

3. Hàng loạt lãnh đạo ngành y tế trung ương và địa phương liên quan vụ Việt Á và bị bắt để điều tra: Trong số người liên quan đang bị điều tra có cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hai vụ trưởng thuộc Bộ Y tế, nhiều giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) và cán bộ CDC các tỉnh thành.

Năm sự kiện y tế lớn nhất 2022 - Ảnh 2.

Điều trị cho người bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - Ảnh: NGUYÊN BẢO

4. Dịch chồng dịch: Trong khi COVID-19 dù có được khống chế và nhưng vẫn ghi nhận ca mắc mỗi ngày, thì dịch sốt xuất huyết đã gia tăng mạnh mẽ trong phạm vi toàn quốc, đặc biệt là tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội...

11 tháng đầu năm 2022 cả nước đã ghi nhận trên 300.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ, số tử vong tăng xấp xỉ 90 ca nhưng do nhiều lý do cả khách quan và chủ quan, các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết triển khai trong năm nay không thực sự mạnh. Đây là năm ghi nhận dịch sốt xuất huyết lớn nhất kể từ năm 2019.

5. Những nỗ lực phục hồi ngành y tế sau dịch: Gần ba năm dịch bệnh đã tác động rất mạnh đến ngành y tế. Tại các bệnh viện công lập, chưa khi nào người ta chứng kiến làn sóng chuyên gia, y bác sĩ giỏi rời bệnh viện công lớn như năm nay. Ngay tại các bệnh viện hàng đầu như Bạch Mai, Việt Đức... vẫn có những bác sĩ rời khối công lập.

Thu nhập là điều được nói đến nhiều nhất, tại Bệnh viện Bạch Mai thu nhập bình quân năm 2021 còn 11,8 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với trước dịch. Bộ Y tế cho biết trong 18 tháng (tính đến 30-6-2022), cả nước có 9.680 nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc, trong số này có gần 3.100 bác sĩ.

Những khó khăn này đã tác động mạnh đến nỗ lực phục hồi ngành y tế sau đại dịch. Trong gần ba năm dịch COVID-19, dịch vụ y tế đã biến đổi theo chiều hướng mới: mở rộng dịch vụ khám và tư vấn sức khỏe, hội chẩn chuyên môn từ xa, mở bệnh viện dã chiến, điều động y bác sĩ giữa các vùng miền...

Sau dịch, các bệnh viện hoạt động trở lại bình thường và phải tổ chức lại các hoạt động cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh. Cho đến nay, số lượt khám, chữa bệnh đã đạt và ở một số bệnh viện đã vượt năm 2019 là năm ngay trước dịch.

Hiện chỉ còn một khó khăn mà các bệnh viện đang "kêu" là tính lại viện phí theo hướng "tính đúng tính đủ" để bệnh viện trả lương tốt hơn, giữ chân y bác sĩ, tăng cường chất lượng dịch vụ.

Và vì những nỗ lực này, với năm 2022 sắp qua, khi điểm lại những sự kiện lớn nhất năm với y tế, người ta sẽ nhớ đến điểm sáng là những nỗ lực để phục hồi và mong năm 2023 những khó khăn sẽ qua đi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại