Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) - đơn vị mà hầu hết cơ quan y tế trên thế giới lấy làm chuẩn trong quản lý thuốc men, thực phẩm vừa chấp nhận cho liệu pháp biến " ma dược " từng gây ám ảnh trong nấm ma thuật thành thuốc.
Nấm ma thuật - một "ma dược" nguy hiểm được các nhà khoa học biến thành thuốc trị tâm thần đột phá - ảnh: RT
Theo tiến sĩ Robin Carhart-Harris, người đứng đầu nhóm nghiên cứu ứng dụng psilocybin, đến từ Imperial College London (trường thành viên của Đại học London, Anh), đây sẽ là tin vui cho nhiều bệnh nhân tâm thần; mà mục tiêu đầu tiên là nhóm bệnh nhân trầm cảm kháng trị với mọi loại thuốc hiện có.
Trầm cảm kháng trị ước tính gặp phải ở 50% bệnh nhân trầm cảm, theo các khảo sát tại Mỹ, được xếp vào nhóm bệnh nguy hiểm đến tính mạng bởi bệnh nhân có nguy cơ tự sát rất cao. Liệu pháp đột phá ứng dụng hoạt chất trong nấm ma thuật hoạt động như một loại thuốc "tẩy não".
Trầm cảm khiến bộ não người bệnh bị lỗi, không còn xử lý thông tin một cách chuẩn mực, luôn đi theo con đường tiêu cực. Như một chiếc máy tính đã được reset và sửa lỗi phần mềm, bộ não bệnh nhân sau điều trị đã vận hành bình thường trở lại.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh để đạt được hiệu quả chữa bệnh, hoạt chất trong nấm ma thuật được chiết xuất và biến thành thuốc, sử dụng theo phác đồ chặt chẽ.
Ở dạng nguyên bản và các dạng điều chế bất hợp pháp khác, nấm ma thuật vẫn là một loại ma dược nguy hiểm. Nó thường bị lợi dụng để biến thành các loại ma túy tổng hợp gây ảo giác cực mạnh và pháp luật nhiều quốc gia ngăn cấm.