Mới đây, tổ chức Middle East Institute (MEI) đã đăng tải bài phân tích của các tác giả Steven Kenney và Ross Harrison có tựa đề "In Brief: Middle East Conflict and COVID-19 - A View from 2025" (tạm dịch: Xung đột ở Trung Đông và Covid-19 - Những năm 2025 sẽ ra sao).
Nhằm đem lại cho độc giả một dự đoán tương đối khách quan về kết quả của các cuộc xung đột đang tiếp diễn ở Trung Đông hiện tại, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Tình hình Trung Đông vào năm 2025 khác gì so với hiện tại?
Khi nói tới tương lai của Trung Đông, trong tiềm thức của chúng ta luôn cho rằng khu vực này sẽ vẫn luôn "bất định". Rõ ràng với quá khứ phức tạp của khu vực, việc tỏ ra bi quan rõ ràng là lẽ tự nhiên.
Đặc biệt là khi đối chiếu với các sự kiện đã diễn ra trong 10 năm qua với 4 cuộc nội chiến, sự chia rẽ sâu sắc giữa người Israel và Palestine, căng thẳng giữa Iran và Arab Saudi, chúng ta thấy xác suất khiến dự đoán nói trên thành sự thật trở nên rất cao.
Hiện tại, khi được bổ sung "gia vị" là đại dịch Covid-19 - đi cùng với nó các mối đe dọa về sức khỏe và kinh tế, viễn cảnh đen tối nói trên ngày càng trở nên rõ ràng.
MEI đã đối chiếu các kịch bản dự đoán tương lai và điều chỉnh dựa theo ảnh hưởng của Covid-19 để "phác họa" bức tranh xung đột ở Trung Đông ra vào năm 2025.
Hình minh họa.
Các kịch bản và động lực nảy sinh xung đột ở Trung Đông trong tương lai
Kịch bản 1: Trong một kịch bản lạc quan mà chúng tôi (MEI) đặt tên là “Together - for Now” (tạm dịch: Từ bây giờ - xích lại gần nhau") sự hợp tác trong phản ứng về các vấn đề liên quan tới đại dịch đã kéo các quốc gia, các tổ chức khu vực và các tác nhân quốc tế gần lại với nhau.
Mặc dù sự hợp tác này có thể giúp giải quyết các nhu cầu cấp bách về y tế, các vấn đề quan trọng hơn như quyền lực vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng tin tốt là khi các chính phủ bắt đầu tỏ ra "hướng nội" để giải quyết khủng hoảng, sự phản kháng người dân cũng sẽ tạm "đóng băng".
Xét về các cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông, một cơ hội sẽ được mở ra giúp phá vỡ tư tưởng "một mất một còn" hiện đang tồn tại giữa Iran, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Arab Saudi.
Nói cách khác, hợp tác giữa các quốc gia trên mặt trận y tế có thể lan rộng sang các vấn đề an ninh và kinh tế khác vào những năm 2025. Với các nền kinh tế đang cần nỗ lực tập trung vào việc lấy lại vị trí trước đại dịch, xu hướng hợp tác sẽ có thể tăng trưởng trở lại.
Nói cách khác, các cuộc nội chiến có thể vẫn sẽ tiếp diễn, nhưng có thể hy vọng rằng các động lực để các quốc gia tiến hành chiến tranh ủy nhiệm ở Syria, Yemen, Libya và Iraq sẽ giảm đi rất nhiều trong tương lai.
Nhưng về lâu về dài, các chính sách dẫn đến hồi phục kinh tế vào năm 2025 cũng sẽ nảy sinh việc phân phối không đồng đều các lợi ích.
Điều này một lần nữa sẽ trở thành động lực cho các cuộc biểu tình và làm suy yếu các chính phủ Trung Đông như những gì đã diễn ra vào năm 2011.
Cho tới lúc đó, các cường quốc khu vực với một nền kinh tế mới gượng dậy sau đại dịch sẽ buộc phải làm chệch hướng bất đồng trong nước bằng cách đổ lỗi cho các nước láng giềng.
Cách giải quyết vấn đề "không có hồi kết này" là tín hiệu không tốt cho việc chấm dứt các cuộc chiến tranh trong khu vực.
Giao tranh giữa quân chính phủ Syria và khủng bố tại tây bắc Hama ngày 8/6/2020.
Kịch bản 2: Ở một kịch bản thiếu lạc quan hơn, viện trợ y tế từ bên ngoài khu vực nhằm giải quyết đại dịch Covid-19 được dự đoán sẽ rất "hào phóng" nhưng cũng sẽ khiến các nước trong khu vực cạnh tranh với nhau vì nó.
Điều này diễn ra cùng lúc với việc khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu không xảy ra khiến nó trở thành "thất bại kép" dẫn đến bất ổn xã hội.
Xung đột trong khu vực có thể dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn với kịch bản này. Sự đình trệ về kinh tế và sự bất bình đẳng ngày càng tăng có thể dễ dàng kích thích xung đột lan rộng ra toàn khu vực.
Các chính phủ đang trên đà suy yếu, đặc biệt là Iran và Arab Saudi có thể "giải quyết vấn đề" của họ bằng cách tăng cường "đấu đá" với nhau. Và vì vậy, các cuộc chiến ủy nhiệm trong khu vực có thể trở nên khốc liệt và gây ra sự tàn phá khủng khiếp hơn.
Kịch bản 3: Trong một tương lai đen tối khi sự thiếu hợp tác liên quan tới đại dịch Covid-19 sẽ khiến người Trung Đông thiệt mạng nhiều hơn tất cả các cuộc chiến trong 70 năm qua cộng lại. Sự sụp đổ của hàng loạt nền kinh tế là "liều thuốc đắng" sẽ dần dần ngấm vào người dân.
Ban đầu, sẽ có rất ít bất ổn hoặc phản ứng dữ dội của người dân chống lại các chính phủ khu vực. Nhưng dự kiến cho đến "điểm thăng hoa" vào năm 2023, mọi bức xúc sẽ châm ngòi cho "thùng thuốc súng".
Nhưng ngạc nhiên hơn là các động lực khiến các quốc gia dung dưỡng xung đột có thể được cải thiện. Viễn cảnh về một cuộc khủng hoảng tương dương đại dịch có thể khiến các quốc gia thừa nhận chỉ có hợp tác mới tránh được các tác động tồi tệ nhất.
Các chính phủ có thể bắt đầu "xây dựng mối quan hệ" từ từ bằng việc chia sẻ và hợp tác trong việc khai thác các tài nguyên để giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng ở cấp độ khu vực, tiến đến thiết lập một khung chính sách để cùng hợp tác trên mặt trận địa chính trị.
Kết luận
Để tránh những kết quả tồi tệ nhất cho một khu vực vốn đã lâm vào khủng hoảng, khó có phương án nào thay thế được việc hợp tác giữa các chủ thể khu vực, và cả các chủ thể quốc tế liên quan.
Với việc Trung Đông có khả năng "bùng cháy" sau cuộc khủng hoảng Covid-19, một "kiến trúc về sự hợp tác" có thể xây dựng phương án giúp phục hồi cả khu vực sẽ trở thành điều bắt buộc.
Các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia Trung Đông nên xem xét các kịch bản được MEI nêu ở trên như một "hồi chuông cảnh tỉnh" và cũng là một cơ hội để tiến tới một "kiến trúc" như vậy.
Middle East Institute (Viện nghiên cứu Trung Đông) được thành lập năm 1944 tại Thủ đô Washington DC và là tổ chức lâu đời nhất Hoa Kỳ chuyên nghiên cứu chi tiết về tình hình Trung Đông.
Xe tăng Ai Cập gần biên giới Libya sáng 8/6.