Mỹ vẫn chưa nâng trần nợ, điều gì sẽ xảy ra nếu 'vị cứu tinh' duy nhất cũng 'cạn sạch tiền'?

Chi Lan |

Câu hỏi cấp bách nhất trong những cuộc thảo luận thời gian gần đây ở Washington về trần nợ lại là điều mà Bộ Tài chính Mỹ từ chối trả lời: Điều gì sẽ xảy ra nếu họ hết tiền?

Mỹ vẫn chưa nâng trần nợ, điều gì sẽ xảy ra nếu vị cứu tinh duy nhất cũng cạn sạch tiền? - Ảnh 1.

Các nhà lập pháp và nhà quản lý của Mỹ từng có lần “suýt” không thể giải quyết thời hạn nâng trần nợ vào năm 2011. Song, họ vẫn đạt được thoả thuận trước thời điểm ngân sách thực hiện các khoản thanh toán liên bang đến hạn của Bộ Tài chính tụt xuống mức quá thấp.

Một số nhà quan sát cho biết, ở lần này, mọi thứ có thể sẽ khác. Goldman Sachs đã đưa ra dự báo về một thoả thuận được đưa ra vào “ngày X” - tức là muộn hoặc sớm hơn 1 ngày chính phủ Mỹ cạn tiền. Nói 1 cách khác, những bế tắc hiện tại trong các cuộc thảo luận có thể sẽ kéo dài 1 ngày sau thời điểm đó.

Còn Morgan Stanley cho biết, khi “ngày X” trôi qua, nước Mỹ sẽ đối diện với rủi ro lớn. Thậm chí, CEO Jamie Dimon của JPMorgan cho biết ngân hàng này đã thành lập “phòng chiến tranh” để xem xét các tình huống bất ngờ.

Giống như những người tiền nhiệm, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã không nói chính xác về việc cơ quan này sẽ làm gì trong trường hợp xấu nhất là Quốc hội không thể tăng trần nợ kịp thời.

Tuy nhiên, trong tuần này, bà Yellen phát biểu rằng cơ quan này sẽ đưa ra một số lựa chọn nếu các nhà lập pháp không hành động kịp thời. Bà cho biết trong cuộc phỏng vấn ngày 8/5 với CNBC: “Nếu Quốc hội không tăng trần nợ, Tổng thống sẽ phải quyết định về việc phải làm gì với nguồn lực mà chúng tôi có.”

Chính quyền Tổng thống Biden có thể tiếp tục thanh toán các khoản nợ bằng cách viện dẫn Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp, trong đó nêu rõ “không ai nên nghi ngờ” tính hợp lệ của các khoản nợ công. Song, hành động này có thể dẫn đến một cuộc chiến pháp lý căng thẳng như ông Biden cảnh báo vào đầu tháng này.

Mỹ vẫn chưa nâng trần nợ, điều gì sẽ xảy ra nếu vị cứu tinh duy nhất cũng cạn sạch tiền? - Ảnh 2.

Nếu Bộ Tài chính không lựa chọn cách giải quyết trên, cơ quan này có thể sẽ sử dụng tiền mặt và doanh thu họ có để đảm bảo các khoản nợ của chính phủ được thanh toán kịp thời.

“Bảo vệ” trái phiếu chính phủ

Nếu trái phiếu chính phủ Mỹ - thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới và là tiêu chuẩn cho chi phí đi vay trên toàn thế giới, gặp bất kỳ vấn đề nào, nhiều nhà kinh tế và nhà đầu tư cho rằng một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra. Và đây sẽ là mối rủi ro mà các quan chức sẽ không chấp nhận.

Giả định này được đưa ra một phần dựa theo nội dung của các cuộc họp khẩn cấp của Fed vào năm 2011 và 2013, khi Quốc hội Mỹ cũng đang gặp bế tắc trong việc điều chỉnh trần nợ. Một quan chức Fed đã nói với các nhà hoạch định chính sách hồi tháng 8/2011 rằng, Bộ Tài chính nên “trả tiền gốc và lãi đúng hạn đối với chứng khoán Kho bạc.”

Bà Yellen - đã tham gia các cuộc họp năm 2011 và 2013, đã bày tỏ quan điểm nghi ngại về giả định trên. Bà cho biết trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 1 rằng, kế hoạch đó chưa từng được thông qua và các cuộc thảo luận đó cũng cho thấy phương án này “không chắc sẽ hiệu quả”.

Quốc hội Mỹ vẫn cần đưa ra quyết định quan trọng

Khi được hỏi về những kế hoạch dự phòng, Bộ Tài chính đã đề cập đến bình luận mới nhất của bà Yellen về trần nợ. Bà nhắc lại trong chuyến thăm Nhật Bản rằng hành động càng sớm càng tốt là “điều cấp bách” đối với Quốc hội Mỹ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Wally Adeyemo cho hay: “Điều tôi muốn nói là, ai nghĩ rằng Mỹ có thể tránh kịch bản vỡ nợ mà không cần Quốc hội hành động, thì họ đã sai lầm.”

Hôm thứ Năm, ông Dimon cũng nhấn mạnh rằng việc Mỹ ngày càng tiến gần đến “ngày X” sẽ mang đến những rủi ro không thể lường trước. Ông cho hay: “Chúng tôi phải rất cẩn trọng trước tình huống như vậy vì tâm lý hoảng sợ sẽ xảy ra. Sự hoảng loạn là điều duy nhất khiến mọi người sợ hãi và đưa ra những quyết định phi lý.”

Dẫu vậy, giả sử Bộ Tài chính sẽ thanh toán những nghĩa vụ nợ, thì chính quyền ông Biden cần quyết định xem cơ quan này có phải tiếp tục thanh toán một lượng lớn những khoản khác không, từ an sinh xã hội, quốc phòng, tiền lương liên bang đến các cơ quan chính phủ như Cục Hàng không Liên bang.

An sinh xã hội

Bà Yellen cảnh báo hồi tháng 2: “Chính phủ liên bang khó có thể cung cấp các khoản thanh toán cho hàng triệu người Mỹ, bao gồm cả các gia đình quân nhân và người cao tuổi, nhóm sống dựa vào an sinh xã hội.”

Song, không phải ai cũng cho rằng điều đó sẽ thành sự thật. Một cựu trợ lý kinh tế của Nhà Trắng nhận định, khi đối diện với tình huống cực đoan, Bộ Tài chính sẽ ưu tiên các khoản thanh toán cho những người sống dựa vào an sinh xã hội. Mỹ có gần 52 triệu người hưởng lương hưu tính đến tháng 3.

Theo Alec Phillips, nhà kinh tế chính trị cấp cao về Mỹ của Goldman, các khoản thanh toán an sinh xã hội được chi trả 4 lần/tháng, với khoảng 25 tỷ USD mỗi lần. Vì vậy, nếu nào Bộ Tài chính thực hiện vào đúng "ngày X", thì có lẽ “chỉ còn vài ngày nữa” là khoản chi đó sẽ đến hạn. Ông dự đoán vấn đề nhạy cảm chính trị sẽ giúp thúc đẩy một thỏa thuận ở Quốc hội Mỹ.

Tham khảo Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại