Theo các tài liệu của Bộ Ngoại giao trình lên Quốc hội Mỹ, Papua New Guinea - đảo quốc đông dân nhất Nam Thái Bình Dương - cũng sẽ nhận được khoản hỗ trợ phát triển tăng gấp đôi lên 32 triệu USD từ Mỹ, bao gồm 25 triệu USD ưu tiên giải quyết vấn đề an ninh về biến đổi khí hậu.
Washington đang tìm cách ngăn các quốc đảo ở Thái Bình Dương, trải dài trên 40 triệu km đại dương, thiết lập quan hệ an ninh với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ký các thỏa thuận quốc phòng và giám sát với Papua New Guinea.Ảnh: EPA-EFE
Nhà Trắng xác nhận ông Biden sẽ đến thăm thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea vào ngày 22-5 trong hành trình đến dự hội nghị thượng đỉnh của các nước Bộ Tứ (QUAD), gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, tại Sydney - Úc. Tại sự kiện này, ông Biden sẽ gặp lãnh đạo 18 quốc đảo Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Ngoại giao Papua New Guinea Justin Tkachenko nói với hãng tin Reuters rằng thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Papua New Guinea đã hoàn tất vào tuần trước và chờ ông Biden đến đây để ký chính thức.
Ông Tkachenko cho biết một thỏa thuận khác cho phép Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ tuần tra vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn của Papua New Guinea cùng với các quan chức nước này trên tàu với tư cách là "người lái tàu", cũng sẽ được ký kết và bao gồm việc giám sát vệ tinh.
Ông Tkachenko nói: "Chúng tôi có thể sử dụng các hệ thống an ninh vệ tinh của Mỹ. Một khi chúng tôi ký kết, chúng sẽ giúp giám sát vùng biển của chúng tôi, điều mà chúng tôi không thể làm vào lúc này".
Đối với ông Biden, chuyến thăm cũng sẽ có ý nghĩa làm nổi bật tầm quan trọng của Papua New Guinea đối với an ninh khu vực.
GS David Kilcullen thuộc Trường ĐH New South Wales nói với hãng tin Reuters rằng các tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc, nếu được bố trí ở các đảo Thái Bình Dương, có thể ngăn chặn hoạt động của Hải quân Mỹ và Úc, đồng thời cản trở các tuyến thương mại quan trọng.
Ông Kilcullen cho rằng: "Xung đột Mỹ - Trung có thể diễn ra trên toàn bộ Thái Bình Dương bao gồm Melanesia và quần đảo Polynesia, không chỉ ở eo biển Đài Loan (Trung Quốc) và biển Đông, điều khiến Papua New Guinea và quần đảo Solomon trở thành tâm điểm chú ý".
Trung Quốc và Quần đảo Solomon trước đó đã phủ nhận hiệp ước an ninh chung của họ cho phép xây dựng căn cứ hải quân ở khu vực. Trong khi đó, cuộc gặp trực tiếp của ông Biden với các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương được khu vực xem là một bước quan trọng trong việc khôi phục lòng tin.