Nợ của Mỹ: Quả bom đang nổ chậm?

Trần Ngọc |

Trong trường hợp xấu nhất là Mỹ không trả được nợ đúng hạn, xếp hạng tín dụng của quốc gia có thể bị hạ xuống, điều này có thể dẫn đến việc tăng chi phí đi vay.

Với tỷ lệ sít sao 217 phiếu thuận và 215 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật tăng giới hạn nợ quốc gia, đi kèm với biện pháp cắt giảm mạnh chi tiêu. Động thái này vấp phải sự phản đối từ Tổng thống Joe Biden và phe Dân chủ khi cho rằng dự luật mới “không có cơ hội trở thành luật”.

Nợ của Mỹ: Quả bom đang nổ chậm? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Asia Times)

Tổng thống Joe Biden khẳng định sự cần thiết phải tăng giới hạn vay nợ của quốc gia, tuy nhiên tuyên bố sẽ không đàm phán với phe Cộng hòa về biện pháp cắt giảm chi tiêu để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ quốc gia.

Theo tính toán, Chính phủ Mỹ sẽ đạt đến giới hạn nợ trong thời gian ngắn nữa, làm tăng nguy cơ vỡ nợ của nền kinh tế lớn nhất thế giới và gây ra một cơn bão trên thị trường tài chính toàn cầu. Bộ Tài chính Mỹ được cho là sẽ thông báo đến Quốc hội về một thời hạn mới trong những ngày tới, sau khi đánh giá về tình hình thu thuế.

Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đề xuất tăng trần nợ 1.500 tỷ USD hoặc cho đến ngày 31/3/2024 sẽ cắt giảm chi tiêu so với mức của năm 2022 và tăng trần nợ 1% một năm, hủy bỏ một số sáng kiến thuế về năng lượng sạch và tăng cường quy định về việc làm với một số chương trình chống đói nghèo.

Theo Asia Times, các quỹ kho bạc đang tan thành mây khói và lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 13 tuần đạt gần 5%. Với tốc độ này, lời tiên đoán của tỷ phú Elon Musk về tình trạng vỡ nợ của nước Mỹ sớm muộn cũng thành hiện thực. Mặt khác, mối đe dọa vỡ nợ của Mỹ không phải là mới.

Asia Times cho rằng, trong trường hợp xấu nhất là Mỹ không trả được nợ đúng hạn, xếp hạng tín dụng của quốc gia có thể bị hạ xuống, điều này có thể dẫn đến việc tăng chi phí đi vay.

Nói về hậu quả đối với nền kinh tế Mỹ, một mặt lạm phát có thể giảm, mặt khác nguy cơ suy thoái sẽ càng rõ ràng hơn trong bối cảnh vay và chi tiêu giảm. Tài khoản hưu trí của người Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Moody's Analytics ước tính rằng GDP thực tế có thể giảm hơn 4%, cắt giảm hơn 7 triệu việc làm và có khả năng khiến tỷ lệ thất nghiệp trên 8%. Ngoài ra, giá cổ phiếu có thể giảm gần 1/5 ở mức tồi tệ nhất của đợt bán tháo, xóa sạch 10.000 tỷ USD tài sản hộ gia đình.

Tờ AP News nhận định, từ đầu năm nay, chính phủ Mỹ đã vượt quá giới hạn vay hợp pháp là 31.381 tỷ USD và Bộ Tài chính bắt đầu thực hiện “các biện pháp đặc biệt” để tránh thanh toán thiếu các hóa đơn của mình.

Đã bắt đầu có suy đoán về “ngày x” - ngày mà các biện pháp đó sẽ cạn kiệt và chính phủ có thể thực sự vỡ nợ nếu giới hạn vay liên bang không được dỡ bỏ. “Ngày x” có thể đến sớm nhất là vào tháng 6 tới, tùy thuộc vào số tiền mà Sở Thuế vụ Liên bang (IRS) thu được trong tháng 4 từ những người khai thuế.

Bằng cách đình chỉ thanh toán, chính phủ Mỹ có thể giảm số nợ chưa thanh toán, cho phép Kho bạc tiếp tục tài trợ cho các hoạt động của chính phủ.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen, nếu không đạt được mức trần nợ 31.400 tỷ USD trong tháng này, Mỹ có thể sẽ không tránh được nguy cơ vỡ nợ vào đầu tháng 6 tới. Nếu vỡ nợ, các khoản vay thanh toán có thế chấp của các hộ gia đình sẽ tăng lên và thị trường tín dụng sẽ xấu đi, người dân sẽ mất việc làm.

Nợ của Mỹ: Quả bom đang nổ chậm? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen. (Ảnh: AP)

Cùng với đó, chính phủ sẽ không thể thanh toán được các khoản trợ cấp liên bang cho hàng triệu người Mỹ gồm các gia đình quân nhân, người cao tuổi sống dựa vào an sinh xã hội.

Bà Janet Yellen cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ nên ngay lập tức tăng, hoặc đình chỉ giới hạn nợ không kèm những điều kiện để ngăn chặn thảm họa kinh tế./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại